Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Hình ảnh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong bộ phim tài liệu "Chiến thắng lịch sử Xuân 1975"

Xin giới thiệu bộ phim tài liệu quân đội mang tên "Chiến thắng lịch sử Xuân 1975", do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện năm 1977.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (bên phải).

Trong phim có hình ảnh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, khi đó là Chính ủy Quân đoàn 4 tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông Bắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng (*)

Từ 1939, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể cung cấp cho ăn học ở Hà Nội, tôi phải chuyển về học tiếp tại trường trung học Bonnal Hải Phòng.

Lúc này, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu khủng bố đàn áp mạnh. Đảng đã chuyển vào hoạt động bí mật, phong trào và tổ chức chính trị xã hội của quần chúng ở Hải Phòng đang trong tình trạng suy giảm, rời rạc, có nơi ắng lặng.

Tuy vậy, tại trường tôi mới tới, đã và vẫn còn nhiều tổ nhóm nhỏ học sinh, vừa công khai vừa bí mật tự động rủ nhau hoạt động văn hóa, văn nghệ, cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ. Trong thanh niên học sinh, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, dân chủ, bình dân được khuấy động và dâng cao. Ảnh hưởng rõ nét và mạnh nhất là từ tổ chức Hướng đạo, từ các thầy mô phạm, đạo đức của trường. Thầy Nguyễn Hữu Tảo, anh tráng sinh Vũ Quý – lúc đó ít người biết anh là một đảng viên Cộng sản bí mật, cốt cán của Kiến An, Hải Phòng – là những gương mặt tiêu biểu được giới học sinh ca tụng, mến phục.

Tôi với chút kinh nghiệm hoạt động trong Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội, cũng săn đón tìm kết bạn và nhập bọn. Các tổ nhóm học sinh đều là con em các gia đình “khá giả” ở Cảng và vùng mỏ, phần lớn là hướng đạo sinh, học trò ngoan và có tiếng là “học gạo”. Có những học sinh xuất sắc được mọi người biết như anh Nguyễn Đình Thi…

Sống với anh chị trong xóm lao động nghèo – ngõ Lý Tiêm đường Lạch Tray, khu Hạ Lý – tôi lại may mắn quen biết với các anh chị thư ký, thợ thuyền: anh Lễ và nhiều anh trong Ái hữu nhà máy xi măng phốt phát, xưởng Ca-rông. Đó là một nguồn quý giá tuồn vào cho nhóm học sinh những tin tức, tài liệu, sách báo tiến bộ của thời kỳ phong trào Bình dân trước còn giữ được, nói về cộng sản, xã hội, Liên Xô, Dân chủ, Phát xít…

Những “của cấm” hiếm hoi này đã được các bạn trẻ háo hức tìm kiếm, truyền tay nhau đọc, sao chép lại át cả những sách báo hay các tập văn chương lãng mạn, vốn được các con em gia đình công chức, công thương, trí thức ở đây say mê, ưa chuộng…

Năm 1940, 1941 Pháp thua trận, Nhật ngang ngược kéo vào chiếm Kiến An, Hải Phòng, đất nước bị lôi kéo đến ngưỡng cửa và nếm mùi khốc liệt của chiến tranh. Đói rách gia tăng cùng với những luận điệu giả dối, lạc lõng: “Da vàng” cứu nhau và lập “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Tình hình náo động, hỗn loạn, dường như có tiếng ai vang vọng: Việt Nam đâu? Nhục mất nước bùng lên nhức nhối tim óc. Thanh niên học sinh xôn xao, anh em nô nức rủ nhau đi tìm Cách mạng. Tin tức nóng bỏng về phong trào giải phóng cứu nước bùng lên chỗ này, chỗ kia. Những tia chớp lóe lên từ hướng chiến khu núi rừng xa xôi, từ Hà Nội văn vật. Đúng vào lúc đó Mặt trận Việt Minh xuất hiện và cũng là lúc chúng tôi may mắn bắt được liên lạc với tổ chức, mọi người mừng rỡ ùa theo. Sau khi đỗ Thành chung, chúng tôi lên Hà Nội học tiếp.

Tôi trở thành ủy viên Ban cán sự Thanh niên Thành Hoàng Diệu (Hà Nội). Cùng với anh Nguyễn Đình Thi, chúng tôi đã chắp nối được với anh Vũ Quý, anh Thản… những người đã rời Hải Phòng đi trước. Chúng tôi lại càng siết chặt mối quan hệ với các anh các chị, được coi là thê đội tiếp theo – vẫn còn đương tiếp tục học ở Hải Phòng và đã trở thành “chiến sĩ Việt Minh” rất xông xáo ngay tại trường với những tên quen thuộc: Thi B (tức Hoàng Thế Thiện), Thọ, Thanh…

Chúng tôi thực sung sướng và cảm thấy hạnh phúc, cũng không ngờ lại thấy đông đảo anh chị em, kẻ trước người sau mà đã quấn quýt được với nhau như vậy trong những ngày trọng đại của đất nước.

Đầu 1942, tôi và anh Nguyễn Đình Thi bị mật thám bắt ở Hà Nội. Chúng tôi đã được cổ vũ mạnh mẽ khi ở trong nhà giam, đã có liên lạc và được tin các bạn “Bonnalien” (dân Bonnal) ở Hải Phòng vẫn tiếp tục sôi nổi hoạt động.

Những học sinh nhỏ bé chúng tôi, vào đầu những năm 40, đã may mắn trở thành “chiến sĩ Việt Minh” và đã cùng bạn bè xông vào trận chiến đấu lớn của đất nước, từ mái trường và trong tình thương yêu trân trọng của thầy trò trường Trung học Bonnal Hải Phòng là như vậy…

Đến thời kỳ sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 1945, tôi được Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh giao phụ trách Đảng Dân chủ miền Bắc rồi tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ nên lại có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng chí, đồng bào trong phong trào ở Hải Phòng…

Trong những ngày mà cả Thành ủy cũng như các tổ chức Việt Minh ở Hải Phòng gặp khó khăn vì phát xít Nhật tăng cường khủng bố, một số các chiến sĩ Việt Minh ở Hà Nội, cả Dân chủ đảng và Cứu quốc, đã tranh thủ đảo về Cảng góp phần giúp cho người thân trong gia đình hay các cơ sở trí thức học sinh quen biết tạm ngừng hoặc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xung phong, bán tín phiếu Việt Minh, tham gia công tác trừ gian… như anh Văn Cao và một số các anh khác đã làm…

Rồi đến những ngày đấu tranh quyết liệt, sau khi nhân dân Hà Nội bắt đầu chuyển mình với cuộc nổi dậy long trời lở đất ngày 17, 18, chúng tôi ở Hà Nội được ý kiến của Thường vụ Xứ ủy đã quyết định cử ngay đồng chí Vũ Quốc Uy làm phái viên đặc biệt từ Hà Nội về giúp cho Hải Phòng khởi nghĩa.

Trước đó đồng chí Uy mới được Đảng phái sang tăng cường giúp Dân chủ Đảng. Từ khi đi Hải Phòng anh được phối thuộc vào các đồng chí lãnh đạo địa phương.

Theo kể lại, đến ngày 21/8 anh Uy mới tới gặp được các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng trên sông Tam Bạc. Các đồng chí lãnh đạo Việt Minh cho lập ngay Ủy ban Khởi nghĩa Hải Phòng. Ngày 22/8 thuyết phục Thị trưởng Vũ Trọng Khánh (vốn đã có cảm tình với Việt Minh (l), và qua Thị trưởng làm trung gian, Việt Minh đã trực tiếp thương nghị với Chỉ huy quân đội Nhật để họ không can thiệp vào việc nhân dân tổ chức giành chính quyền. Ngày 23/8, Ủy ban Khởi nghĩa đã cho tập trung hơn chục vạn đồng bào với các chiến sĩ tự vệ Việt Minh làm nòng cốt, có lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều và tự vệ Kiến An hỗ trợ, tổ chức mít tinh trọng thể trước Nhà hát lớn thành phố. Dưới lá cờ đỏ sao vàng quang vinh, sau tiếng hát Tiến quân ca hùng tráng, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hải Phòng do đồng chí Vũ Quốc Uy, đại biểu Việt Minh làm Chủ tịch, sau đó quần chúng tuần hành và chiếm các công sở…

Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã thắng lợi một cách hết sức nhanh chóng, êm thấm và thực gọn gàng.

Từ Hà Nội chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào, thấy được sự cổ vũ và hiệp đồng đấu tranh một cách mạnh mẽ, chặt chẽ và rất kịp thời, vô cùng quý giá. Đồng thời chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc một điều quan trọng: Nhân dân Hải Phòng đã anh dũng đứng lên tự giải phóng cho mình và giành lấy chính quyền. Một biểu hiện rực rỡ của những giá trị lâu dài trong truyền thống đấu tranh kiên cường của vùng đất có nhiều công nhân và thủy thủy. Hải Phòng đã theo sát được tinh thần lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương và Tổng bộ Việt Minh. Và thật vinh dự – Hải Phòng đã hành động nhanh chóng kịp thời với sự cổ vũ lớn lao của nhân dân Hà Nộì khởi nghĩa đang thắng lợi.

Nhưng Hải Phòng cũng có những cái riêng biệt, khác với nhiều nơi và đã được thể nghiệm, góp phần mang lại hiệu quả đích đáng. Chẳng hạn như trong vấn đề đối với người cầm đầu chính quyền bù nhìn thành phố lúc đó (Thị trưởng Hải Phòng), đối tượng chủ yếu phải đánh đổ khi khởi nghĩa. Nhưng lãnh đạo Việt Minh Hải Phòng đã chủ động tiếp xúc, mạnh bạo thu phục và sử dụng thành công và đã thu được những kết quả tích cực.

Ủy ban Khởi nghĩa Hải Phòng đã xúc tiến tổ chức cuộc gặp gỡ trực tiếp và rất quan trọng, ngày 22/8 – giữa lãnh đạo Việt Minh và Chỉ huy quân đội Nhật với sự có mặt trung gian của Thị trưởng đương quyền để thương nghị điều đình về việc tổ chức cho nhân dân Hải Phòng giành chính quyền an toàn và thắng lợi vào ngày 23/8… không phải dùng đến hình thức như “tối hậu thư” cho Chỉ huy quân đội Nhật hoặc phải có kế hoạch né tránh đụng độ với quân Nhật.

Hải Phòng đã lại vận dụng một cách mạnh bạo, nổi bật đường lối đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, một nhân tố quyết định thành công cuộc Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8. Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời thành phố, chính quyền đầu tiên của nhân dân Hải Phòng được lập ra có đại diện của Mặt trận Việt Minh, đồng chí Vũ Quốc Uy là Chủ tịch, có ủy viên hành chính, luật sư Vũ Trọng Khánh nguyên Thị trưởng cũ, có đại biểu công nhân Đoàn Văn Nhạc, đại biểu trí thức Vũ Văn Huyên, đại biểu công thương Nguyễn Thị Ngọc Mùi, đại biểu quân sự Quách Duy Yên (2).

Tiếp với Hà Nội, nhân dân Hải Phòng đã tự đứng lên làm chủ nhân chính thức thành phố Cảng một cách hết sức kịp thời là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong khi chung quanh thành phố còn gần chục ngàn quân đội Nhật vũ trang đầy đủ chiếm đóng và chờ đại quân Trung Quốc được Đồng minh giao, đến để tiếp quản.

Mọi người đã không quên khi nhân dân Hải Phòng đứng lên, với khí thế cách mạng sôi sục, đã ngay lập tức ngăn chặn, đẩy lùi các toán biệt kích của quân đội thực dân xâm lược Pháp đã bắt đầu trở lại xâm nhập. Bọn chúng đã lọt vào đất Cảng từ đầu tháng 8, nhưng đến lúc đó, các tàu biệt kích Crayssac, Frézouls đã vội vàng rời khỏi Cửa Cấm, tháo chạy ra các đảo Cô Tô, Vạn Hoa trong Vịnh Bắc bộ. Toán của tên trung úy Blanchard phải chui vào ẩn trong trại lính Nhật để mãi sau mới tìm cách bắt liên lạc với Sainteny ở Hà Nội.

Còn cánh quân của Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa, lực lượng được Đồng minh giao vào Việt Nam tiếp nhận đầu hàng của quân đội Nhật và tiếp quản Bắc Việt Nam thì đến cuối tháng 8, Tập đoàn quân 53 Quảng Tây kéo theo lực lương thổ phỉ của Vũ Kim Thành (thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh Hội của Nguyễn Hải Thần) mới tới được vùng Móng Cái và phải đến 13 – 15 tháng 9 các lực lượng này mới tới thành phố Hải Phòng và mở đầu cho các cuộc hoành hành, quấy phá khi mà nhân dân Hải Phòng, Kiến An đã đứng lên lập chính quyền làm chủ nhân thực sự cả vùng đã từ hơn một nửa tháng trước.

Hà Nội rồi Hải Phòng, theo tiếng gọi của Việt Minh đã liên tiếp chủ động tự mình đứng lên, khéo léo tự giải phóng và làm chủ thành phố một cách nhanh chóng, êm thấm hòa bình. Hai thành phố lớn hàng đầu, nhất nhì của miền Bắc, cùng với các đô thị lớn nhỏ khác như Nam Định, Hải Dương đã đấu tranh thắng lợi, hiệp đồng một cách thần tình cùng với phong trào chiến tranh du kích mạnh mẽ ở Việt Bắc và đồng bằng, góp phần giải phóng toàn miền Bắc, tạo điều kiện quyết định cho thắng lợi vĩ đại của đất nước vào ngày 2/9 lịch sử.

Lê Trọng Nghĩa

Chú thích:

* Trích cuốn Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Nxb Hà Nội, 2012, tr.86-93. Đầu đề là của chúng tôi.

1. Luật sư Vũ Trọng Khánh là Thị trưởng Hải Phòng sau 9/3 đến khi ta giành chính quyền là ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hải Phòng rồi được cử làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời từ 2/9/1945. Có em là Tống – Dân chủ Đảng.

2. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. Tập 1, Nxb Hải Phòng, 1991.

Nguồn: http://xuanay.vn/tap-chi-xua-nay/khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-o-hai-phong/

Chiến dịch Xuân Lộc - điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch

Từ ngày 9 đến 16-4-1975, ta mở chiến dịch Xuân Lộc. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sĩ tử thủ. Tuy nhiên, sau khi tấn công không hiệu quả, ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại.

Mưu kế được thể hiện cụ thể trong ý định, chủ trương, kế hoạch tác chiến và trong toàn bộ quá trình lập thế trận, điều khiển thế trận. Thế trận sâu hiểm phản ánh mưu cao, kế giỏi. Muốn đạt tới mưu cao, kế giỏi trong chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, phải trải qua sự nghiên cứu tổng hợp về địch, ta, địa hình và hình thái bố trí của hai bên trên chiến trường; có kết luận đúng về chỗ mạnh, chỗ yếu, về âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động và phương thức tác chiến của địch. Trên cơ sở đó mà lập mưu kế tiêu diệt, đánh bại địch. Ở Chiến dịch Xuân Lộc, tại thời điểm đầu ta chưa xác định đúng thực lực của địch cả về lực lượng, tinh thần chiến đấu nên không thực hiện ý định. Nhưng sau đó, do kịp thời nhận định tình hình nên ta đã chuyển hướng, khiến địch bị bất ngờ và phải tự rút bỏ Xuân Lộc.

Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc là phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tại đây, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là Sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của Sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Các vị trí phòng thủ được tăng cường thêm mìn, hàng rào dây thép gai, vật chướng ngại chống tăng, kết hợp với hệ thống đồn bốt bảo an, dân vệ chăng ra thành một mạng lưới dày đặc, hòng buộc quân ta phải lùi dần từng bước, khi tới ven đô thì kiệt sức.

Để đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, ta tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan. Một sư đoàn khác bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng, tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm - Dầu Giây, đường 20. Để thực hiện mục tiêu này, ta sử dụng lực lượng Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Khu 7 do đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh cùng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy tiến công Xuân Lộc.

Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4/1975.

Sáng 9-4, từ các hướng đã xác định, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch nhưng bị địch phản kích mãnh liệt, khiến cuộc chiến trở nên hết sức quyết liệt. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc phản kích của địch. Địch tăng cường lực lượng cho Xuân Lộc. Ngày 12-4, địch đổ lữ đoàn 1 dù xuống ngã ba Tân Phong. Tiếp đó, địch điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bàu Cá, chiến đoàn 315 ở Bàu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bàu Cá. Tính ra, địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lựợng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương một sư đoàn. Không quân địch ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc/ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch sử dụng cả bom CBU55 mà Mỹ vừa cung cấp trong thời gian tướng Wayend sang Sài Gòn để ngăn chặn ta.

Qua năm ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều.

Từ nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên; đánh chiếm Tân Phong, cắt đường 2 đi Bà Rịa. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt Chiến đoàn 52 địch, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai trên dải ở phía bắc chi khu Tân Phong chặn đánh Lữ đoàn 1 dù không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với Chiến đoàn 43 trong thị xã.

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Rạng sáng ngày 15-4, pháo chiến dịch bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường 1 đoạn Xuân Lộc - Bàu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng - ngã ba Dầu Giây.

Trong hai ngày 16 và 17-4, Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Giây. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B chặn đánh địch quyết liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi quân địch xuống Bàu Cá.

Trước nguy cơ Xuân Lộc mất giá trị phòng thủ vì mất Dầu Giây và do bị bất ngờ về mưu kế chuyển đổi thế trận của ta, địch đã tổ chức rút lui. Đề nghi binh cho hành động này, địch bắn pháo vào trận địa của ta. Lúc 17 giờ, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và Sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom; Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Sư đoàn 341 tiến đánh vào thị xã rồi phát triển theo đường Sở cao su Ông Quế, Sư đoàn 7 đánh chiếm nam Tân Phong, chặn đường số 2, Sư đoàn 6 tổ chức chặn địch ở Sở cao su Ông Quế, các tiểu đoàn địa phương chốt chặn và truy kích địch trên đường 2. Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.

Tiếp quản Tiểu khu Long Khánh.

Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52, đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô, giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra.

Trung tá Ths VŨ BÌNH TUYỂN (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:
  1. Sự kiện và những con số lịch sử
  2. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc

Nguồn: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-dich-xuan-loc-dien-hinh-ve-nghe-thuat-dung-muu-ke-danh-dich-505875