Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Giới thiệu Huân chương Hoàng gia Sahametrei của Vương quốc Campuchia

Huân chương Hoàng gia Sahametrei là một loại huân chương nằm trong hệ thống huân chương của Vương quốc Campuchia, có tên tiếng Pháp là “Ordre Royal du Sahametrei”, tên tiếng Anh là “The Royal Order of Sahametrei”. Huân chương này được dùng để trao tặng cho những cá nhân, tổ chức nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Vương quốc Campuchia, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao, như là một dấu hiệu của tình hữu nghị với Quốc vương và nhân dân Campuchia.

Huân chương Hoàng gia Sahametrei gồm 3 cấp được ban hành bởi Quốc vương Norodom Sihanouk vào ngày 09-09-1948, được mở rộng lên 5 cấp vào ngày 23-08-1956, và được tái ban hành bởi Quốc vương Norodom Sihanouk vào ngày 05-10-1995.

Huân chương này có từ thời Pháp thuộc, có các cấp bậc tương tự như Bắc Đẩu bội tinh của Pháp. Khởi thủy của Bắc Đẩu bội tinh là do hoàng đế Naponelon lập ra để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Những người được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d’honneur (Đội quân danh dự).

Vì theo hình thức một đội quân thời phong kiến ở phương Tây và cho những người có đóng góp đặc biệt, những cấp bậc của Huân chương này tượng trưng cho các cấp bậc chỉ huy trong quân đội phong kiến và theo nghĩa là “Đội quân hiệp sĩ” (nhưng là danh dự). Huân chương này được chia thành 5 cấp, từ cao xuống thấp như sau:

1. Grand Croix (Mohaséreivath) - Tạm dịch “Đại thập tự”, được hiểu là Huân chương hữu nghị hạng Nhất.

2. Grand Officier (Mohaséna) - Tạm dịch “Sỹ quan cao cấp”, được hiểu là Huân chương hữu nghị hạng Nhì.

3. Commandeur (Thibadin) - Tạm dịch “Chỉ huy”, được hiểu là Huân chương hữu nghị hạng Ba.

4. Officier (Séna) - Tạm dịch “Sỹ quan”, được hiểu là Huân chương hữu nghị hạng Tư.

5. Chevalier (Assarith) - Tạm dịch “Hiệp sỹ”, được hiểu là Huân chương hữu nghị hạng Năm.

Huân chương Hoàng gia Sahametrei được hiểu giống như Huân chương Hữu nghị mà Nhà nước Việt Nam thường tặng hoặc truy tặng cho người nước ngoài, tặng cho tập thể người nước ngoài có những đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Thể theo đề nghị của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, ngày 22-11-2019, Quốc vương Preah Karuna Preah Bat Samdech Preah Boromneath NORODOM SIHAMONI đã ký Sắc lệnh số SL/11119/1727 truy tặng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện Huân chương cao quý nhất của Vương quốc Campuchia dành cho người nước ngoài là Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) vì đã có đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc, đặc biệt là những đóng góp quan trọng của ông trong thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế giúp Cách mạng Campuchia 1978-1982.

Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath được đeo choàng qua vai phải và một bài tròn mạ vàng trên ngực trái. Ngoài ra còn có cuống huân chương để đeo tối giản trên ngực trái.

Một lần nữa, Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia - Ông Vũ Quang Minh và cán bộ Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã có những nỗ lực ngoại giao tuyệt vời trong việc đề xuất Bạn khen thưởng cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, đặc biệt là đối với đối tượng khen thưởng đã qua đời như ông rất khó khăn, chưa từng có tiền lệ.

Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự).

Cận cảnh Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) và cuống huân chương.

Cận cảnh bài tròn để đeo trên ngựa trái của Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự).

Mô phỏng cách đeo Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự).

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Campuchia truy tặng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện Huân chương Đại thập tự

Đây là Huân chương cao quý nhất của Vương quốc Campuchia dành cho một người nước ngoài do đã có công lao đóng góp.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (thứ nhất từ phải sang) tại Đại hội Đảng bộ chuyên gia giúp Campuchia. Ảnh: Tư liệu gia đình. 

Ông Vũ Quang Minh - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cho biết: "Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) và 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (07/01/1979 – 07/01/2019), theo đề nghị của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen, Quốc vương Norodom Sihanoni đã quyết định truy tặng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện Huân chương cao quý nhất dành cho người nước ngoài theo Sắc lệnh số SL/11119/1727".

Đây là Huân chương cao quý, được hiểu là Huân chương Hữu nghị hạng Nhất. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc vương Campuchia truy tặng Huân chương cao quý này cho một người nước ngoài.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã có nhiều đóng góp to lớn cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Từ tháng 10/1978 đến tháng 06/1982, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được Đảng và Nhà nước ta cử sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, giữ các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng giúp Cách mạng Campuchia, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn bên cạnh Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Phó Tổng Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng Đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia (Đoàn 478).

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (thứ tư từ trái sang) tại Campuchia. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Ông Hoàng Anh Thi, con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện chia sẻ: "Qua gần 4 năm làm công tác giúp bạn, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta giao phó, đã đóng góp một phần rất quan trọng trong công việc giúp Campuchia hồi sinh lại đất nước sau một thời gian dài phải gánh chịu hậu quả thê thảm của nạn diệt chủng của Khmer Đỏ".

Tất cả những gì Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện và lớp chuyên gia Việt Nam đã giúp Cách mạng Campuchia trong giai đoạn đầu tiên đã đặt nền móng và tạo dựng cơ sở tin cậy vững chắc để giao lại cho lớp chuyên gia trong những năm tháng kế tiếp, đã góp phần giúp bạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để bạn từng bước trưởng thành, vững mạnh đến ngày nay.

Những đóng góp quan trọng của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong thời kỳ làm công tác giúp bạn đã được Đảng và Nhà nước ta cũng như Đảng và Nhà nước Campuchia đánh giá cao, đã góp phần quan trọng phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia và góp phần tích cực vào sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

KHẢI MÔNG

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Quyển “Nhật ký trên đường Nam tiến” tròn 70 tuổi (1949-2019)

Đồng chí Hoàng Thế Thiện trước ngày vào Nam Bộ. Năm đó đồng chí 27 tuổi.

Bìa quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" đã tròn 70 tuổi (1949-2019).

Trang đầu tiên của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích của đồng chí Hoàng Thế Thiện (bên trái) và vợ đồng chí - bà Hào Kim Oanh (bên phải) có dán ảnh bà Oanh bế người con trai đầu lòng của hai người.

Trang thứ hai của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích của đồng chí Hoàng Thế Thiện. Chữ L là viết tắt của tên Lan (bí danh khi đó của bà Oanh - vợ đồng chí). Chữ T là viết tắt của Thi (tên khai sinh của đồng chí Hoàng Thế Thiện là Lưu Văn Thi).

Trang thứ ba của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích nhắn gửi của bà Hào Kim Oanh - vợ đồng chí Hoàng Thế Thiện.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22-12-1944 - 22-12-2019), Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng giới thiệu lại bài viết “Nhật ký trên đường Nam tiến” của nhà báo Hùng Khoa (báo Quân đội nhân dân) đăng trên nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng” số 286 ra tháng 10-2017.


Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Đoàn cán bộ quân sự Trung ương từ Việt Bắc vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ (1949-2019).

Cách đây 70 năm, vào tháng 09-1949, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Đây là lần Nam tiến thứ nhất trong cuộc đời xông pha trận mạc của đồng chí Hoàng Thế Thiện - một vị tướng đã 3 lần Nam tiến để tham gia chiến đấu vì miền Nam ruột thịt vào các năm 1949, 1964, 1975.

Lên đường từ căn cứ địa Việt Bắc và tháng 09-1949, Đoàn cán bộ quân sự Trung ương đã lội suối trèo đèo vượt ngàn dặm đường, tiến hành một cuộc hành quân gian khổ, đi dọc theo chiều dài của sáu chiến khu, khi “xẻ dọc Trường Sơn” khi cưỡi sóng biển Đông, xuyên qua nhiều vùng địch tạm chiếm nhiều hiểm nguy bất trắc. Trải gần 11 tháng đi đường, Đoàn cán bộ quân sự Trung ương đã vào đến đất Nam Bộ.Tới tháng 08-1950, Đoàn đặt chân đến Đồng Tháp Mười, căn cứ địa nổi tiếng của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ.

Trong lịch sử, vào tháng 09-1948, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cử Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ. Phái đoàn gồm các đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lãnh đạo; Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Chủ tịch phủ; Dương Quốc Chính, Thiếu tướng Chính ủy Khu Việt Bắc[1].

Có một số sách và tài liệu đã nhầm lẫn, cho rằng Đoàn cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ năm 1949 là một bộ phận của Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ năm 1948 và ghi nhận đồng chí Hoàng Thế Thiện là một thành viên trong Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ năm 1948 như trong tài liệu sau:

“Do nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của Nam Bộ trong thế chiến lược chung nên Trung ương Đảng sớm có kế hoạch tăng cường lực lượng phong trào cách mạng nơi đây. Theo đó, giữa tháng 9-1948, Trung ương cử đoàn cán bộ Đảng, Chính phủ, quân đội do đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm trưởng đoàn, cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch (danh nghĩa trưởng phái đoàn Chính phủ) và Thiếu tướng Dương Quốc Chính (Lê Hiến Mai) đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào Nam Bộ. Cùng đi với phái đoàn có khoảng 30 cán bộ chính trị, quân sự cao, trung cấp như: Lê Toàn Thư, Lưu Quý Kì, Hoàng Thế Thiện... cùng nhiều cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.”[2]

Đại tá, nhà sử học Lê Hồng Lĩnh đã viết rõ về việc này trong bài viết “Nhớ về người đồng chí đàn anh” trong quyển sách “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện” (Nhiều tác giả, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005) như sau:

“Tháng 10 năm 1948, tôi được cử vào Nam Bộ trong Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ do các anh Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính phụ trách. Chúng tôi đi theo đường Trường Sơn mà lúc đó anh em đã gọi là đường Hồ Chí Minh. Vào Nam Bộ, tôi được phân công làm nhân viên kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra các trung đoàn, tiểu đoàn ở miền Trung và miền Đông. Sau đó tôi được cử làm Bí thư Văn phòng Chính ủy Nam Bộ và làm thư ký cho đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, Chính ủy Nam Bộ.

Đến tháng 9 năm 1949, anh Thiện cùng với một số cán bộ quân sự như anh Nguyễn Thanh Tâm nguyên là Phó Giám đốc Trường Quân chính Bắc Sơn, anh Lê Thọ (Lê Văn Điệp) nguyên là học sinh Trường Quân chính Bắc Sơn cùng với chúng tôi và là Chính trị viên Tiểu đoàn 57… cũng theo đường Hồ Chí Minh vào Nam Bộ.

Tôi bất ngờ gặp lại anh Thiện ở Nam Bộ. Hai anh em vui mừng nhận ra nhau ngay và coi nhau như là đồng chí, đồng đội quen thân nhau từ lâu.”

Ngày đồng chí Hoàng Thế Thiện (tên khai sinh là Lưu Văn Thi) vào Nam năm 1949, bà Hào Kim Oanh - vợ đồng chí đã đóng cho đồng chí một cuốn sổ nhỏ, bọc vải màu xanh lam, trên đó có thêu 2 chữ T và O màu trắng lồng vào nhau nghĩa là Thi - Oanh, để những lúc đồng chí nhớ vợ con, gia đình, có cuốn sổ nhỏ đó mà trút bầu tâm sự. Năm nay, quyển “Nhật ký trên đường Nam tiến” ấy đã tròn 70 tuổi (1949-2019).
--------------------

Chú thích:

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Đồng chí Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên sau Cách mạng Tháng Tám 1945

Tư liệu mới sưu tầm về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện:

Quyển sách “Cách mạng Tháng Tám 1945 - Toàn cảnh” do GS. TS. Phan Ngọc Liên chủ biên (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005).

Trong quyển sách này có bài viết về Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Thái Nguyên (từ trang 108 đến trang 115). Tại trang 114 có đoạn ghi nhận đồng chí Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên như sau:

“Ngày 23-08-1945, hội nghị lãnh đạo tỉnh họp quyết định thành phần Ủy ban nhân dân tỉnh gồm có đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch; các đồng chí Ma Đình Tương, Đặng Đức Thái, Phạm Đình Huệ làm Phó Chủ tịch; các đồng chí Lương Đình Oánh, Hoàng Thế Thiện, Chu Quốc Hưng, Lê Phương, Phạm Hoài, Trường Sơn làm Ủy viên.”

Đây là một chi tiết mới phát hiện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.




Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Thư mời họp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thư mời dự họp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.


Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã có tên đường Hoàng Thế Thiện

Ngày 03-10-2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc đặt tên, điều chỉnh giới hạn một số tuyến đường tại thành phố Tam Kỳ và thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 03-10-2019.

Theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND, thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam) có 56 tuyến đường được đặt tên mới trong năm 2019, trong đó có tuyến đường mang tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Tuyến đường Hoàng Thế Thiện có chiều dài 300m, chiều rộng 15,5m, nằm trong Khu dân cư Tây Nam An Hà, có điểm đầu giao với đường Phan Văn Lân (đường mới được đặt tên trong đợt này), điểm cuối giao với đường Nguyễn Cao (đường mới được đặt tên trong đợt này).

Việc đặt tên đường mang tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam) thể hiện sự trân trọng của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đối với những cống hiến của ông đối với Tổ quốc Việt Nam.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã đặt tên đường Hoàng Thế Thiện cho một tuyến đường có chiều dài 300m, chiều rộng 11,5m tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn. Như vậy, tỉnh Quảng Nam là địa phương có hai tuyến đường mang tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.





Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Phố Tướng ở quận Long Biên

Thành lập đầu tháng 11-2003 trên cơ sở tách ra từ huyện Gia Lâm (cũ), đến nay quận Long Biên đã trở thành một đô thị khang trang, hiện đại ở phía đông bắc của Thủ đô Hà Nội. Góp phần làm nên diện mạo đô thị Long Biên hôm nay là nhiều tuyến phố rộng, dài, đẹp được gắn tên những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phố “lưỡng quốc tướng quân”

Một người bạn từ tỉnh miền núi Hà Giang xuống Hà Nội ghé thăm gia đình tôi chơi. Bạn nhờ tôi mua giùm một loại hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Bạn bảo rằng, từ lâu phố Nguyễn Sơn được mệnh danh là “thủ phủ hàng xách tay” vì ở đây có bán những hàng xách tay “xịn” từ nước ngoài, giá lại rẻ! Tôi nói với bạn đấy chỉ là tin đồn thôi. “Nếu không mua được hàng xách tay, thì coi như chúng ta đi dạo chơi vậy”. Nể lời bạn, tôi thuê chiếc taxi đưa bạn đến phố Nguyễn Sơn.

“Bạn có biết Nguyễn Sơn là ai không?”. Vốn học chuyên ngành sử, nên bạn tỏ ra vanh vách khi kể cho tôi nghe lai lịch về “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn. Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, người xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Từ năm 1926, ông tham dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, tham gia Vạn lý trường chinh trong Hồng quân Trung Hoa, làm Ủy viên Chính phủ Công nông Xô viết Trung Quốc. Năm 1945 về nước, ông làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV, Liên khu V. Năm 1948, ông là một trong những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm thiếu tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1951, ông trở lại Trung Quốc công tác ở Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng, tham gia cuộc kháng chiến “Kháng Mỹ viện Triều”. Với nhiều công lao đóng góp cho cách mạng Trung Hoa, năm 1955, ông được Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phong quân hàm thiếu tướng. Vì thế, Nguyễn Sơn được gọi là “Lưỡng quốc tướng quân” (tướng quân của hai nước Việt Nam và Trung Quốc).

Rồi bạn kể lại cho tôi một giai thoại lưu truyền về tướng Nguyễn Sơn. Khi biết mình chỉ được phong quân hàm thiếu tướng, ông tỏ vẻ không hài lòng nên gửi công văn hỏa tốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhã ý từ chối nhận quân hàm. Nhận được công văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ông tấm card “Gửi Sơn đệ” với 12 chữ Hán “Tâm dục tế, đảm dục đại, trí dục viên, hành dục phương” (Đại ý: Người làm tướng cần phải có cái tâm nên tế nhị, chín chắn; cái gan cần phải lớn; cái trí phải suy trước nghĩ sau, toàn diện; cái đức hạnh, hành động phải đầy đủ, cương trực). Rất khâm phục, cảm kích trước tình cảm và cũng là lời nhắc nhở khéo léo của Bác Hồ, ông vui vẻ chấp thuận với cấp hàm thiếu tướng được phong của mình.

Kể xong câu chuyện về tướng Nguyễn Sơn, bạn tôi tâm sự: “Thật hiếm có lãnh tụ nào có tài cảm hóa người khác như Bác Hồ. Lời Bác dành cho tướng Nguyễn Sơn nhã nhặn mà ý tứ thâm sâu. Bài học của Bác dành cho tướng Nguyễn Sơn cũng là bài học dành cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay, đó là luôn đặt mình vào tập thể, biết dựa vào tập thể, vì tập thể để nỗ lực phấn đấu tiến bộ và giữ được đức tính khiêm nhường, giản dị của người cách mạng”.

Hai phố rộng, dài, đẹp mang tên hai vị đại tướng

Rời phố Nguyễn Sơn, tôi đưa bạn đến thăm một trong những con phố rộng, dài và đẹp nhất ở trung tâm quận Long Biên. Đó là tuyến phố mang tên Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phố Đoàn Khuê có vỉa hè thông thoáng, trồng nhiều cây xanh, mỗi sáng chiều có hàng trăm người dân nối chân nhau dạo bộ tập thể dục, hít thở không khí trong lành trong khuôn viên đô thị sinh thái Vinhomes Riverside Sài Đồng.

Tôi hỏi bạn, nói đến gia tộc, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Đoàn Khuê, cậu biết có điều gì nổi bật không? Ngồi trong quán cà phê có tiếng nhạc không lời du dương, bạn nhấp ly cà phê Ban Mê nóng hổi rồi cho tôi hay, gia đình Đại tướng Đoàn Khuê là một trong những gia đình có công lớn với cách mạng. Bố của ông là cụ Đoàn Cầu, chiến sĩ cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Hải Lăng (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Mẹ của ông là cụ Nguyễn Thị Dương. Hai cụ sinh được 8 người con thì có 5 con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, đó là các liệt sĩ: Đoàn Đình, Đoàn Giao, Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Cư, Đoàn Thị Tùng. Cụ Nguyễn Thị Dương vì thế xứng đáng với danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà Nhà nước trao tặng đợt 1, năm 1994.

Trong không khí thân mật, như muốn gợi lại những câu chuyện danh nhân, tôi hỏi bạn, cậu có biết ở quận Long Biên còn một tuyến phố mang tên đại tướng nào nữa không? Bạn tôi lấy tay xoa xoa vào nhau tỏ ý nghĩ ngợi. Để giải quyết “khâu bí” cho bạn, tôi giải đáp ngay: Đó là phố Chu Huy Mân. Hơn chục năm công tác ở Quân khu 2, tôi hiểu khá tường tận về lịch sử LLVT Quân khu 2 gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Chu Huy Mân. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chu Huy Mân (năm 1913-2006) tên thật là Chu Văn Điều, quê ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từng bị tù đày của thực dân Pháp, nhưng ông tỏ rõ lòng trung kiên với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông có nhiều năm gắn bó với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc và giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316; Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc... Nói đến Chu Huy Mân, ông có khá nhiều điều đặc biệt. Đó là một vị tướng xuất thân từ thành phần nông dân áo vải. Kết nạp Đảng từ tháng 11-1930 khi mới 17 tuổi, ông là vị đại tướng duy nhất có thâm niên tuổi trùng với thâm niên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ðại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự, có tầm nhìn chiến lược và cũng rất tinh thông về chiến dịch, chiến thuật. Ông góp phần quan trọng vào việc phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và quân sự (ba thứ quân) của Quân đội ta.

Phố lưu danh “người con ưu tú dân tộc Tày” và phố “Vị tướng Chính ủy”

Tôi chia sẻ thêm với bạn: “Tôi đang cư trú tại phường Phúc Đồng. Địa bàn phường này vinh dự có 3 phố gắn liền với 3 vị tướng tên tuổi. Ngoài phố Chu Huy Mân, còn có phố Đàm Quang Trung và phố Hoàng Thế Thiện”. 

Thượng tướng Đàm Quang Trung (năm 1921-1995) tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông nguyên là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 1, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Năm 1937, vừa tròn 16 tuổi, ông đi theo con đường cách mạng và hai năm sau đó, ông được kết nạp Đảng. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy tin tưởng giao trọng trách chỉ huy 3 cuộc duyệt binh, diễu binh lịch sử. Đó là: Cuộc duyệt binh chào mừng Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945; cuộc diễu binh thiện chí giữa Quân đội ta và quân đội Pháp ở Vườn hoa Canh Nông (nay là Vườn hoa Lênin) ngày 29-3-1946; cuộc diễu binh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, ngày 1-1-1955. Tên tuổi Thượng tướng Đàm Quang Trung từ lâu là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.



Nằm gần phố Đàm Quang Trung là phố Hoàng Thế Thiện. Con phố được HĐND TP Hà Nội quyết định đặt tên cuối năm 2018. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (năm 1922-1995) quê ở TP Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, gần 40 năm chiến đấu và công tác trong quân đội, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được mệnh danh là “Vị tướng Chính ủy”, vì ông đã trải qua cương vị phó chính ủy, chính ủy của hơn 10 đơn vị. Có thể kể đến chức vụ mà ông từng đảm nhiệm, như: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân (từ năm 1959); Phó chính ủy, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn; Chính ủy đầu tiên, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4. Theo đánh giá của những người đồng chí, đồng đội cùng thời với ông, như: Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng, PGS Nguyễn Hữu An và Thiếu tướng Hoàng Đan, thì Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là “Một chính ủy hơi hiếm” vì ông vừa giỏi chính trị, vừa có kiến thức, trình độ cao về quân sự.

Đã tròn chục năm về làm công dân Thủ đô và cư trú ở quận Long Biên, do bị cuốn vào bao thứ việc chung riêng mà tôi ít khi để ý đến chuyện đặt tên phố phường. May nhờ cậu bạn vốn đam mê lịch sử đến nhà chơi, từ một chuyện gợi ý “mua hàng xách tay” ở phố Nguyễn Sơn mà bạn đã gợi nhắc, “đánh thức” tôi nhớ về một phần lịch sử truyền thống hào hùng của Quân đội ta từ những tên tuổi, tài năng, công lao lừng lẫy của nhiều vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trân quý đặt tên đường phố./. 

Phố Nguyễn Sơn rộng 10m, dài 1.500m, từ Vườn hoa Ngọc Lâm đến cổng sân bay Gia Lâm. Phố Đoàn Khuê rộng 40m, dài 2.100m, từ phố Trường Lâm kéo dài đến bùng binh giao đường 80m ở khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside Sài Đồng. Phố Chu Huy Mân rộng 40-80 mét, dài 2.400m, từ ngã ba giao cắt đường quy hoạch 48m tại Trung tâm thương mại Vincom Long Biên đến ngã giao cắt đường Nguyễn Văn Linh. Phố Đàm Quang Trung rộng 40m, dài 1.800m, từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba giao cắt đường đê tả sông Hồng (tại chân cầu Vĩnh Tuy). Phố Hoàng Thế Thiện, rộng 8-12 mét, dài hơn 800m, từ ngã ba giao cắt phố Chu Huy Mân tại điểm đối diện vườn hoa Phúc Đồng, đến ngã ba giao cắt phố Sài Đồng tại số nhà 85.

Ghi chép của THIỆN VĂN (Quân đội nhân dân online ngày 11-11-2019)

Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/pho-tuong-o-quan-long-bien-599657

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia dâng hương tưởng nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện




Chiều nay, ngày 08-10-2019, ông Bùi Anh Thơ - Tổng Thư ký Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia đã đến thăm Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Tổng Thư ký Bùi Anh Thơ đã thay mặt Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia dâng hương và bản sao bằng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989 - lên bàn thờ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để báo cáo với ông về việc Đảng, Nhà nước ta đã ghi nhận, đánh giá xứng đáng công lao, thành tích to lớn, đặc biệt xuất sắc của Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989, đặc biệt là sự kiện này diễn ra trong năm Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (1979-2019).

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện rất vinh dự và tự hào khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trên cương vị là Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Phó Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Campuchia, đã đóng góp chút sức mình vào thành tích vẻ vang của Lực lượng Chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia.

Thật vô cùng ý nghĩa khi Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989 vào ngày 07-01-2019, đúng ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh (07-01-1979 - 07-01-2019).

Trong hơn 10 năm giúp Cách mạng Campuchia ở thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, lực lượng chuyên gia Việt Nam đã có nhiều hi sinh, cống hiến to lớn giúp bạn xây dựng lại Đảng Nhân dân Campuchia đã bị tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary phá hoại tận gốc; trực tiếp giúp bạn lựa chọn những người yêu nước, đào tạo, bồi dưỡng họ thành cán bộ nòng cốt lãnh đạo các cấp.

Trải qua 40 năm thử thách, đại đa số cán bộ này đã phát huy rất tốt, đến nay vẫn là lực lượng lãnh đạo nòng cốt trong bộ máy Đảng Campuchia cầm quyền; giúp bạn xây dựng lại hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền nhân dân từ trung ương xuống cơ sở.

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã từng nói với chuyên gia Việt Nam: “Quân tình nguyện Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, còn chuyên gia Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thứ hai là đói rét, bệnh tật đi từ con số không, trưởng thành như ngày nay”.

Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà báo Kiều Mai Sơn “Hoàng Thế Thiện - vị tướng góp phần hồi sinh Campuchia”.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Đời thường tướng lĩnh: Đọc chung một lá thư nhà

“Anh Hoàng Thế Thiện là một chính ủy sư đoàn đích thực và xuất sắc”-Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đã viết như vậy về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo lời kể của Trung tướng Lê Hữu Đức, khoảng giữa năm 1966, Lê Hữu Đức về nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng (sau đó là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng) Sư đoàn 1, Mặt trận Tây Nguyên. Ở Sư đoàn 1 lúc này, sư đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Hữu An (sau này là thượng tướng), chính ủy là đồng chí Hoàng Thế Thiện. Cảm tưởng lần đầu tiên của Lê Hữu Đức về Chính ủy Hoàng Thế Thiện là một con người cởi mở, dễ gần. Cùng sống, công tác và chiến đấu, Lê Hữu Đức ngày càng quý mến Hoàng Thế Thiện và gọi ông là “hạt nhân đoàn kết” của sư đoàn.

Một lần, Lê Hữu Đức trò chuyện, tâm sự cả đêm với Chính ủy Hoàng Thế Thiện bên bếp lửa trong một căn hầm giữa rừng già Tây Nguyên. Ông nói: “Tôi vào chiến trường sau các anh, kinh nghiệm chưa bằng các anh. Tôi xin tiếp tục phát huy sở trường, xông xáo, sâu sát các đơn vị”. Chính ủy Hoàng Thế Thiện bèn vỗ vai ông và nói: “Ấy chết, sao ông lại nói thế? Trong điều kiện bom đạn Mỹ dày đặc, ác liệt như vậy mà ông xông xáo là quý lắm, giúp cho Thường vụ và Bộ tư lệnh sư đoàn có cơ sở để hạ quyết tâm chính xác. Phần xây dựng kế hoạch thì còn có Thường vụ, Đảng ủy, bộ tư lệnh, cán bộ toàn sư đoàn nữa. Nhìn lại hai năm qua thì chúng ta cũng chỉ kẻ chín, người mười thôi...”.

Trong lần đi chỉ huy chiến dịch đầu mùa hè năm 1967, Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Hoàng Thế Thiện về sở chỉ huy trước, riêng Sư đoàn phó Lê Hữu Đức ở lại bám trận địa cùng Trung đoàn 66, thực hiện bước tiếp theo “tìm Mỹ mà đánh”. Quả nhiên, hai đại đội quân xâm lược Mỹ hung hăng đi càn, “sập bẫy” vào thế trận Trung đoàn 66 đã giăng sẵn ở khu vực Chư Đô. Chính ủy Hoàng Thế Thiện gọi điện chúc mừng Lê Hữu Đức: “Khá lắm, ông bạn cụt thân mến, chuyển lời chúc mừng của Thường vụ và Bộ tư lệnh sư đoàn tới anh em Trung đoàn 66 nhé. Riêng ông là giành thắng lợi kép đấy, cùng lúc nhận 6 thư từ đại hậu phương tới. Có cho chính ủy kiểm duyệt không?”.

Đọc thư nhà là một niềm hạnh phúc của những người lính chiến trường, các đồng chí sĩ quan cấp cao là lãnh đạo, chỉ huy cấp sư đoàn cũng không ngoại lệ. Và cũng hồn hậu như những người lính, họ cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau những cánh thư nhà. Nghe chính ủy nói vậy, Lê Hữu Đức vui vẻ nói ngay: “Xin chính ủy cứ tự do, nhớ chuyển thư của tôi cho anh An đọc nữa nhé”.

NGUYỄN HỒNG (Theo sách Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam)

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Lời Bác trong sáng thu ấy...


Là người thực hiện những chuyến bay đầu tiên sau khi Trung đoàn 919 (nay là Đoàn bay 919) thành lập, Đại tá Trần Văn Nam, nguyên phi công trung đoàn đã lập nhiều thành tích xuất sắc và được tham gia đại hội thi đua của Cục Không quân. Tại đây, phi công Trần Văn Nam vinh dự được đón Bác đến thăm và nghe những lời chỉ dạy ân cần của Người.

Tháng 10-1960, sau hơn một năm thành lập, Cục Không quân tổ chức đại hội thi đua tại hội trường Trung đoàn 919. Buổi sáng ngày làm việc thứ hai, chiếc trực thăng Mi-4 số hiệu VN50D đưa Bác đi công tác về đã hạ cánh tại sân bay Gia Lâm. Khi đó, Cục trưởng Đặng Tính, Chính ủy Hoàng Thế Thiện cùng các đại biểu dự đại hội đã đứng đợi ở dưới đường băng. Phi công Trần Văn Nam và các đại biểu đã rất xúc động khi Bác bước từ trực thăng xuống, tươi cười hỏi: “Các chú không quân ra đón Bác phải không? Hôm nay Bác đi công tác về, các chú tổ chức đại hội thi đua, Bác sẽ vào thăm nhưng trước hết cho Bác đi thăm nơi ăn ở của phi công đã”.

Ông Nam kể lại: “Vừa dứt lời, Bác đi xuống dưới nhà bếp, tất cả cùng đi theo Người. Bác đi vòng quanh nhà ăn, nhìn thấy những hạt cơm rơi dưới chân bàn, Người quay sang nhắc nhở lãnh đạo Cục Không quân: Các chú phải giáo dục bộ đội về tính tiết kiệm. Người nông dân rất vất vả mới làm ra được hạt gạo. Trong khi đó, nước ta còn nghèo nên không được để cơm rơi vãi. Bác rẽ sang khu nhà ở phi công. Đó là khu nhà tiếp quản lại của Pháp nên cơ sở vật chất còn tốt, hai người một phòng, có nhà vệ sinh khép kín, tủ quần áo, nhìn thấy ngăn nắp, Bác rất hài lòng”.

Từ khu nhà ở, Bác vòng lên hội trường. Người không lên xe ô tô mà đi bộ. Trên đường đi, Bác hỏi về tình hình tư tưởng của bộ đội không quân. Đồng chí Hoàng Thế Thiện trả lời: “Thưa Bác, một số anh em vừa mới ở mặt trận về chưa được hưởng chế độ gì, quân hàm còn thấp nên cũng băn khoăn ạ”. Người ân cần nói: Bác đã nghe phản ánh ở các đơn vị khác cũng như vậy. Bác sẽ lựa lời nói với bộ đội.

Khi Bác bước tới hội trường, các đại biểu đứng lên hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Từ trên bục đoàn chủ tịch, Bác ra hiệu cho mọi người ổn định rồi nói:

- Bác nghe các cô, các chú mở hội nghị kết thúc một năm thi đua yêu nước. Bác rất vui và khen ngợi toàn đơn vị. Bác mong các cô, các chú giữ vững và phát huy thành tích, lần sau Bác đến được nghe nhiều thành tích hơn nữa.

Tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên. Bác nói tiếp:

- Không quân là một tập thể rất lớn nên khi lập công là lập công tập thể. Bác ví dụ nôm na cho các cháu dễ hiểu. Cái đồng hồ chạy được là nhờ có bánh răng, chỉ cần một nấc bị hỏng là kim giờ, kim phút, kim giây không hoạt động được. Tập thể không quân cũng như chiếc đồng hồ vậy. Muốn lái máy bay tốt, an toàn phải có máy móc tốt. Nghĩa là các chiến sĩ thợ máy phải làm việc giỏi, lại cần có chỉ huy tài, có người thông báo thời tiết chính xác, vệ sinh đường băng sạch sẽ, chăm lo bữa ăn chu đáo... Đối với phi công chiến đấu, người cầm lái ấn nút máy bay cũng là thực hiện công lao tập thể. Tổ bay vận tải 3 đến 5 người cũng phải bàn bạc phát huy trí tuệ tập thể. Do vậy, các cô, các chú phải thương yêu, cùng nhau đồng lòng góp sức làm tốt nhiệm vụ.

Nghe lời Bác, tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên không dứt. Người lại ân cần động viên:

- Hiện nay, việc đãi ngộ của Nhà nước tùy vào công sức đóng góp của từng người. Do vậy, các cháu không được suy bì giữa mặt đất và trên không. Hồi Bác sang Liên Xô sau nội chiến, nhân dân Liên Xô còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn có người được chăm sóc đặc biệt. Đó là các cháu thiếu nhi và các chiến sĩ lái máy bay. Các cô, các chú có hiểu tại sao không? Các cháu thiếu nhi là mầm non của đất nước, càng được nâng niu, quý trọng. Các chiến sĩ lái máy bay là những người lao động đặc biệt, vì họ không chỉ cầm lái, cầm súng đấu tranh với địch mà còn phải làm việc ngay trên trời cao, đòi hỏi phải tiêu hao nhiều sức lực. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chăm sóc để bù đắp lại sức lực tiêu hao đó. Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe cho phi công để sử dụng lâu dài, tiết kiệm nguồn nhân lực. Các cháu phải hiểu đào tạo phi công rất khó khăn, tốn kém, như lớp các chú ngồi đây phải đi Liên Xô, Trung Quốc học bao năm trời. Do vậy, không phải cá nhân đồng chí đó được ưu tiên mà vì lợi ích của đất nước.

Câu nói của Bác Hồ đã làm các đại biểu rất xúc động khi chạm đúng tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Bác hiểu quá sâu sắc về những người lái máy bay. Sau cùng, Bác nhấn mạnh:

- Điều thứ nhất Bác dặn các cô, các chú, mỗi người đều phải vì dân, vì nước cố gắng lập công xuất sắc. Điều thứ hai, mọi người đều phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong công tác và đời sống hằng ngày. Điều thứ ba là từ lãnh đạo đến nhân viên phục vụ đã có thành tích rồi thì phải khiêm tốn học tập, học hỏi lẫn nhau để có nhiều chiến sĩ thi đua hơn nữa.

Cả hội trường ngồi im phăng phắc nghe lời căn dặn của Người, dứt lời, mọi người đồng loạt vỗ tay. Sau khi Bác phát biểu, lãnh đạo Cục Không quân mời Bác chụp ảnh lưu niệm. Người bảo: Đông thế này không đứng ở hành lang hội trường, ta phải ngồi xuề xòa ra mới được nhiều người. Bác cháu ta quây quần như thế này quần chúng hơn. Nói rồi Bác chủ động ngồi xuống trước sân hội trường, tất cả mọi người vui vẻ đứng ngồi xung quanh Bác.

Khi Bác về rồi, đồng chí Nam vẫn còn thấy bâng khuâng xúc động vì những tình cảm của Người dành cho bộ đội không quân. Khắc ghi lời Bác dạy, trong suốt quá trình công tác, phi công Trần Văn Nam luôn cố gắng nỗ lực hết mình, bảo đảm những chuyến bay an toàn thắng lợi, xứng đáng là thế hệ phi công vận tải đầu tiên của Đoàn bay 919. Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác vang lên giữa sân bay Gia Lâm trong sáng mùa thu năm 1960 vẫn mãi là lời động viên để cựu chiến binh Trần Văn Nam tiếp tục phấn đấu giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

VŨ DUY (Sự kiện và Nhân chứng)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia nhận Huân chương Sao Vàng

Thật xúc động và vui mừng khi Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989 để ghi nhận, đánh giá công lao, thành tích to lớn, đặc biệt xuất sắc của Lực lượng chuyên gia Việt Nam, đặc biệt là sự kiện này diễn ra trong năm Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (1979-2019).

Trong hơn 10 năm giúp Cách mạng Campuchia ở thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, lực lượng chuyên gia Việt Nam đã có nhiều hi sinh, cống hiến to lớn giúp bạn xây dựng lại Đảng Nhân dân Campuchia đã bị tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary phá hoại tận gốc; trực tiếp giúp bạn lựa chọn những người yêu nước, đào tạo, bồi dưỡng họ thành cán bộ nòng cốt lãnh đạo các cấp.

Trải qua gần 40 năm thử thách, đại đa số cán bộ này đã phát huy rất tốt, đến nay vẫn là lực lượng lãnh đạo nòng cốt trong bộ máy Đảng Campuchia cầm quyền; giúp bạn xây dựng lại hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền nhân dân từ trung ương xuống cơ sở.

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen đã từng nói với chuyên gia Việt Nam: “Quân tình nguyện Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, còn chuyên gia Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thứ hai là đói rét, bệnh tật đi từ con số không, trưởng thành như ngày nay”.

Trong niềm vui chung này, Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (nguyên Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng) rất vinh dự và tự hào khi ông đã đóng góp chút sức mình vào thành tích vẻ vang của Lực lượng Chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989.

Xin nhiệt liệt chúc mừng Lực lượng Chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989 và thành kính tưởng nhớ những chuyên gia đã khuất như Trung tướng Nguyễn Xuân Hoàng, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Đại sứ Ngô Điền, Thiếu tướng Nguyễn Đan Thành...

Cầu chúc cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững - như là phần thưởng cao quý nhất dành tặng cho Lực lượng Chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989.

Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà báo Kiều Mai Sơn "Hoàng Thế Thiện - vị tướng góp phần hồi sinh Campuchia" đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 13-06-2019.

Thành phố Cần Thơ đã có tên đường Hoàng Thế Thiện

Ngày 12-07-2019, tại Kỳ họp thứ mười ba, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND về việc đặt tên 10 tuyến đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019.

Tất cả 10 danh nhân được đặt tên đường đợt này đều thuộc phân nhóm III, do có công lao đặc biệt tiêu biểu và có tầm ảnh hưởng trong vùng - đảm bảo phù hợp với phân nhóm đường. Tất cả 10 danh nhân đều có tiểu sử gắn bó với địa phương; hoặc có các mốc lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với tỉnh Hậu Giang (cũ), tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, địa bàn Quân khu 9 và vùng đất Nam Bộ; hoặc có tiểu sử gắn bó với danh nhân đã được đặt tên cho các tuyến đường lân cận.

Các tuyến đường dự kiến đặt tên đợt này là đường đô thị, tập trung đông dân cư, được xây dựng theo quy hoạch đô thị và được đưa vào sử dụng ổn định (không quy định chiều dài tối thiểu). Tất cả 10 tuyến đường này đều thuộc phân nhóm III - phù hợp với phân nhóm tên nêu trên, do đảm bảo quy định tối thiểu 02 làn xe, lòng đường rộng tối thiểu 06 mét và đấu nối với các tuyến đường chính của đô thị. Trong đó, có 3 tuyến đường được đặt tên danh nhân Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Thế Thiện và Lê Văn Tưởng có chiều dài từ 320 mét đến 360 mét; tuy ngắn, nhưng các tuyến đường này cũng được đấu nối với các tuyến đường chính của thành phố là đường Quang Trung và đường Võ Nguyên Giáp.

Trong số 10 tuyến đường đặt tên mới lần này, có đường Hoàng Thế Thiện tại khu dân cư Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng.

Đường Hoàng Thế Thiện dài 360m, lòng đường 7,5m, lộ giới 15m, 2 làn xe, phân nhóm III. Đường Hoàng Thế Thiện tuy ngắn, nhưng được đấu nối với tuyến đường chính của thành phố Cần Thơ là đường Quang Trung.

Đường Hoàng Thế Thiện (tên tạm gọi trước khi đặt tên là Đường B7 - khu dân cư Hưng Phú 1) có giới hạn từ đường Quang Trung đến Đường A5 - khu dân cư Hưng Phú 1 (đường được đặt tên Hoàng Văn Thái đợt này).

Việc đặt tên đường mang tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tại thành phố Cần Thơ - thủ phủ miền Tây Nam Bộ thể hiện sự trân trọng của chính quyền và nhân dân đất Tây Đô đối với những cống hiến của ông với miền Tây Nam Bộ nói riêng và với Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã có những cống hiến với miền Tây Nam Bộ qua những giai đoạn lịch sử đáng chú ý:

*Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954):

- Tháng 09-1949: ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Ông về thẳng miền Tây Nam Bộ để hoạt động.

- Tháng 07-1950: ông làm Phái viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

- Tháng 11-1950: ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (trung đoàn chủ lực thuộc Khu 9); Chỉ huy phó các chiến dịch: Long Châu Hà II, Sóc Trăng II. Khu 9 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Vĩnh Long và Trà Vinh.

- Cuối năm 1951: ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (trung đoàn chủ lực thuộc Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Châu Hà (gồm phần tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc ở hữu ngạn Sông Hậu và Hà Tiên).

- Tháng 10-1952: ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ, Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

- Cuối năm 1954: ông tập kết ra Bắc rồi phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ.

*Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975):

- Tháng 10-1964: ông trở lại chiến trường Nam Bộ bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, trên con tàu “không số” (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân, được giao nhiệm vụ về thẳng miền Tây Nam Bộ xây dựng sư đoàn chủ lực.

- Tháng 12-1964: ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8. Quân khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và Bến Tre.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện rất vui mừng khi có 2 vị tướng là bạn chiến đấu với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cùng được đặt tên đường tại quận Cái Răng đợt này là:

- Trung tướng Nguyễn Chánh (2017-2001). Trong kháng chiến chống Pháp, Trung tướng Nguyễn Chánh làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.

- Trung tướng Lê Văn Tưởng (1919-1907). Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ. Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng rất vinh dự và tự hào khi đường Hoàng Thế Thiện có điểm đầu giao với tuyến đường chính mang tên vị Anh hùng Dân tộc Quang Trung và có điểm cuối giao với tuyến đường mang tên vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng - Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986).

Cần Thơ là thành phố cuối cùng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là địa phương Nam Bộ thứ hai (sau thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt tên đường Hoàng Thế Thiện.

Như vậy, tính đến nay (tháng 7-2019), sau khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện qua đời đã hơn 20 năm, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ đều đã có tên đường/phố Hoàng Thế Thiện.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ.







Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019)

Lịch sử Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gắn liền với toàn bộ tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ - những năm tháng chiến đấu quyết liệt nhất, hào hùng nhất và chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong Thế kỷ 20.

Suốt 16 năm bền bỉ và anh dũng chiến đấu, Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử mà Đảng, quân đội, nhân dân giao phó, thực hiện thắng lợi chi viện của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện rất vinh dự được tham gia chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn trong thời gian 4 năm rưỡi, từ tháng 7-1970 đến tháng 2-1975 thì được điều trở lại Chiến trường B2 (Nam Bộ) làm Chính ủy đầu tiên - Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ông đã vượt đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên bộ. Ông vừa tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên bộ để chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa tham gia chỉ huy một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tháng 7-1970, ông là Phó Chính ủy - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 Nam Lào, tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (từ ngày 30-1 đến ngày 23-3-1971) trên cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở tiền phương phụ trách cánh phía Tây của chiến dịch.

Tháng 6-1971, ông là Phó Chính ủy - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470.

Tháng 5-1973 đến tháng 2-1975, ông làm Chính ủy - Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Ngày 16-4-1974, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 21-LCT thăng và phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp trong quân đội. Trong số đó có Đại tá - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên (được thăng vượt cấp lên Trung tướng) và Đại tá - Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Thế Thiện (được thăng Thiếu tướng). Trong số các tướng lĩnh từng là bộ đội Trường Sơn, chỉ có hai vị tướng được phong quân hàm cấp tướng khi đang chiến đấu ở Trường Sơn là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Hoàng Thế Thiện.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của Bộ đội Trường Sơn anh hùng vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt.

Mãi mãi nhớ về những người lính Trường Sơn anh hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”!

Gia đình cố Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh TP.HCM đã đến thắp hương và thăm hỏi gia đình tại Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện và gửi thư mời dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - ngày mở đường Hồ Chí Minh tại TP.HCM.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Đợt thăng và phong quân hàm cấp tướng quân đội cuối cùng trước khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự nghiệp thống nhất đất nước thu non sông về một mối (16-04-1974).

Trang 358-359 trong quyển “Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị (Biên niên sự kiện 1945-1975)” (NXB Quân đội nhân dân, 197...) có ghi: Ngày 16-04-1974, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh 21/LCT (trong sách in nhầm thành 24/LCT) thăng và phong quân hàm cấp tướng cho 85 cán bộ cao cấp trong quân đội.

Trong đợt này có 67 cán bộ cao cấp quân đội thụ phong quân hàm cấp tướng lần đầu:

- Thăng từ cấp Đại tá lên Trung tướng cho 2 cán bộ: Lê Đức Anh, Đồng Sỹ Nguyên.

- Thăng từ cấp Đại tá lên Thiếu tướng cho 62 cán bộ.

- Phong cấp Trung tướng cho 1 cán bộ: Đinh Đức Thiện.

- Phong cấp Thiếu tướng cho 2 cán bộ: Nguyễn Thị Định, Nguyễn Hữu Xuyến.

Trong số 62 Đại tá được thăng cấp Thiếu tướng đợt này có Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Ông được phong quân hàm Thượng tá tháng 12-1958. Gần 8 năm sau (tháng 02-1966), ông được thăng quân hàm Đại tá khi đang chiến đấu ở miền Nam. Gần 8 năm sau nữa (tháng 04-1974), ông được thăng quân hàm Thiếu tướng khi đang chiến đấu ở Trường Sơn.

Trong số các tướng lĩnh từng là bộ đội Trường Sơn, có 2 vị tướng được phong quân hàm cấp tướng khi đang chiến đấu ở Trường Sơn là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Hoàng Thế Thiện.

Hôm nay là tròn 45 năm ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh thăng và phong quân hàm cấp tướng cho 85 cán bộ cao cấp trong quân đội - Đợt thăng và phong quân hàm cấp tướng cuối cùng trước khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự nghiệp thống nhất đất nước thu non sông về một mối. Nhớ và tự hào về một thế hệ tướng trận của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, đã đóng góp công lao và xương máu trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong số 85 vị tướng được thăng và phong quân hàm cấp tướng lần này, có lẽ chỉ còn Đại tướng Lê Đức Anh (được thăng quân hàm Trung tướng đợt này) và Đại tướng Nguyễn Quyết (được thăng quân hàm Thiếu tướng đợt này) còn sống. Kính cẩn tưởng nhớ các cụ!