|
Chân dung Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995) |
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, bí danh: Tụng, Hoàng Dân, Tư Dân.
Ông
tham gia cách mạng năm 1940, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 4 năm
1945, nhập ngũ tháng 4 năm 1947. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng
theo Lệnh số 21-LCT ngày 16 tháng 4 năm 1974 của Chủ tịch nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng.
Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922 tại ngõ Mai Viên, đường A-giăng Blăm-bây (Rue Agent Blambay)
[1], thành phố Hải Phòng trong một gia đình dân nghèo thành thị và yêu nước.
Ông
là con trai thứ hai của vợ chồng cụ Lưu Văn Ngữ (1892-1946) và Trịnh
Thị Tạc (1897-1944). Cụ Lưu Văn Ngữ quê ở thôn Hạ, xã Lê Xá, tổng Đội
Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); là một người học Nho và
là một đầu bếp giỏi ở Hải Phòng. Cụ là người có tư tưởng yêu nước, từng
tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho cụ Phan Bội Châu trong
phong trào Đông Du. Gia đình cụ là cơ sở của nhà cách mạng Nguyễn Lương
Bằng (sau là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ thập niên
1920. Năm 1927, cụ tham gia rải truyền đơn trong vụ người Việt và Hoa
kiều đánh nhau ở Hải Phòng và, do đó, bị chính quyền thực dân Pháp bắt
giam 6 tháng. Những năm 1936-1938, cụ tham gia phong trào mặt trận Bình
dân, là sáng lập viên và là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu công nhân tư
gia thành phố Hải Phòng.
Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ thân phụ nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal
[2],
Ông đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào
Hướng đạo sinh thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, Ông tham gia Tiểu tổ
bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng cở sở cách
mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị địch khủng bố tan rã trước đó.
Ông tham gia hoạt động trong phong trào Truyền bá quốc ngữ từ năm 1940
và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải
Phòng.
Tháng
1 năm 1942, Ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc và được giao nhiệm vụ
xây dựng Đoàn Thanh niên cứu quốc của Việt Minh thành phố Hải Phòng
đồng thời phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh thành
phố. Cuối năm 1942, do gia đình quá nghèo, Ông đã phải thôi học, làm gia
sư rồi làm thư ký đánh máy công nhật ở Ngân hàng Đông Dương. Sau một
đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố Hải Phòng có
kết quả vào cuối năm 1942, Ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập
Đoàn Thanh niên cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo.
Tháng
3 năm 1943, do có sự phản bội của một phần tử AB chui vào tổ chức, Ông
bị thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án
binh tại Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa
Lò (Hà Nội) rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, Ông được kết nạp vào
Nhóm Trung kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù cứu quốc ở Sơn La, được Bí thư
Xứ ủy Bắc kỳ Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và
vận động quần chúng.
Tháng
3 năm 1945, Ông được Đảng tổ chức cho vượt ngục tập thể trong nhóm của
nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách
mạng.
Tháng
4 năm 1945, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử
làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai
(thuộc Chiến khu Hoàng Hoa Thám).
Tháng
8 năm 1945, Ông tham gia cướp chính quyền tại thị xã Thái Nguyên rồi
được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời, Chủ nhiệm Tỉnh bộ
Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Tháng 10 năm 1946, Ông làm Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.
Tháng
4 năm 1947, Ông được Khu ủy Khu 10 điều vào Quân đội làm Phái viên
chính trị Khu 10 rồi Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10 – Quân khu ủy
viên. Tháng 7 năm 1948, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn
Sông Lô.
Tháng
9 năm 1949, Ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự
vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Tháng 7 năm 1950, Ông làm Phái
viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11 năm 1950, Ông làm Chính ủy –
Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9), Chỉ huy phó các chiến dịch
Long Châu Hà II và Sóc Trăng II. Cuối năm 1951, Ông làm Chính ủy – Bí
thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Tháng
10 năm 1952, Ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân
Liên khu miền Tây Nam Bộ – Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và
Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.
Năm
1955, Ông tập kết ra miền Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ.
Tháng 6 năm 1955, Ông học tại Trường chỉnh huấn chính trị Trung, Cao cấp
ở Bộ, Hiệu ủy viên. Tháng 12 năm 1955, Ông làm Chủ nhiệm Chính trị Liên
khu 3 – Quân khu ủy viên.
Tháng
7 năm 1956, Ông làm Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay. Tháng 12 năm 1958,
Ông được phong quân hàm Thượng tá. Tháng 1 năm 1959, Ông làm Chính ủy –
Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân. Từ tháng 12 năm 1960 đến
tháng 12 năm 1962, Ông được cử đi học tại Học viện Không quân Trung
Quốc, Bí thư Chi bộ Đoàn học viên. Năm 1963, Ông học tại Trường Nguyễn
Ái Quốc Trung ương.
Tháng 10 năm 1964, Ông trở lại chiến trường Nam Bộ trên con tàu “không số” (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân.
Lúc
này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương thành lập một sư
đoàn chủ lực ở miền Tây Nam Bộ. Ông về miền Tây để chuẩn bị cho việc
thành lập sư đoàn này và đảm nhiệm chức vụ Chính ủy sư đoàn nhưng vì
nhiều lý do khách quan nên sư đoàn này không thành lập được.
Tháng
12 năm 1964, Ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7
năm 1965, Ông về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 – Sư đoàn chủ
lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy – Phó Bí thư
Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.
Tháng
2 năm 1966, Ông được thăng quân hàm Đại tá. Tháng 8 năm 1966, Ông làm
Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận B3 (Tây
Nguyên). Tháng 1 năm 1969, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn
304.
Tháng
7 năm 1970, Ông làm Phó Chính ủy – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt
trận 968 Nam Lào rồi tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (tháng 1 năm
1971). Tháng 6 năm 1971, Ông làm Phó Chính ủy – Ủy viên Ban Thường vụ
Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559)
[3] rồi kiêm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470
[4]. Tháng 5 năm 1973, Ông làm Chính ủy – Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Tháng
4 năm 1974, Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Tháng 2 năm 1975, Ông
được điều trở lại Chiến trường B2 (Nam Bộ) làm Chính ủy đầu tiên của
Quân đoàn 4 – Bí thư Đảng ủy Quân đoàn, Phó Chính ủy – Ủy viên Ban
Thường vụ Đảng ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh B2. Tháng 4 năm
1975, Ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng đông – một trong năm cánh
quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tháng 5 năm 1975, Ông được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn
– Gia Định.
Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 4 năm 1977, Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế – Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Từ
tháng 10 năm 1978 đến tháng 6 năm 1982, Ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng, Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia
Việt Nam toàn Cam-pu-chia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách
mạng Cam-pu-chia, Phó Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Cam-pu-chia, Phó
Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia kiêm Trưởng
đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Cam-pu-chia (Đoàn 478).
Tháng 7 năm 1982, Ông làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội.
Tháng
5 năm 1983, tại Đại hội Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam toàn quốc lần thứ II,
Ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
Quốc Việt Nam.
Tháng 2 năm 1987, Ông làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ông là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS Việt Nam (1987-1990).
Tháng 7 năm 1989, Ông được nghỉ hưu.
Ông mất hồi 14 giờ 40 phút ngày 5 tháng 9 năm 1995 tại Viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.
Do
những công lao và thành tích cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng
và của Dân tộc, Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2002);
- Huân chương Độc lập hạng Nhất;
- 4 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
- Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba;
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất;
- Huân chương Chiến công hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ;
- 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
- 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
- Huy hiệu 50 tuổi Đảng;
- Huy chương Quân kỳ quyết thắng;
- Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày;
- Huy hiệu Vì nghĩa vụ Quốc tế;
- Huy hiệu Thành Đồng Tổ Quốc.
và nhiều huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu cao quý khác.
Ông
được Hội đồng Viện hàn lâm Hermann Gmeiner thuộc Tổ chức Làng trẻ em
SOS quốc tế trao tặng giải thưởng “Kim vàng danh dự” do có những đóng
góp đặc biệt cho Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế.
Tên và tiểu sử của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được đưa vào
Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam[5],
Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam[6]./.
[1] Còn gọi là ngõ Con Sấu, nay là ngõ 11 phố Trần Bình Trọng, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
[2] Nay là Trường phổ thông trung học Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
[3]
Đoàn 559 là đơn vị tương đương quân khu do Quân ủy Trung ương và Bộ
Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo chỉ huy (Quyết định số 176 QĐ-QP ngày 29
tháng 7 năm 1970 của Bộ Quốc phòng).
[4] Có quyền hạn như Bộ Tư lệnh sư đoàn.
[5] Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1996, tái bản năm 2004.
[6] Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tái bản năm 2006.