Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Ngày 30/4/1975 của các vị tướng

Sáng 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các ủy viên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đón nhận tin vui quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập tại phòng họp ở Nhà Con Rồng, thành cổ Hà Nội.

Theo hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, Bộ chỉ huy tối cao nhận tin đầu tiên về việc quân giải phóng có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn từ Đài phát thanh Nhật Bản lúc 10h. Đến 10h50, Cục 2 (Quân báo) báo cáo quân giải phóng đã vào dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này.

11h30, ông Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục cơ yếu mang vào phòng họp một bức điện của Trung tướng Lê Trọng Tấn (Tư lệnh cánh quân phía đông) báo cáo: Một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên dinh Độc Lập.

Sau khi chỉ đạo gửi bức điện “Đã nhận tin ta cắm cờ lên dinh Độc Lập lúc 11h. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui" lúc 12h25, đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng. Chỉ 15 phút sau, đài ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại dòng tin: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.

12h50, tại Sở chỉ huy, có mặt thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng; đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Tác chiến; đại tá Nguyễn Trọng Yên và thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Cục phó Tuyên huấn. Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ.

Thượng úy Nguyễn Tiến Trỗ, cán bộ bảo vệ đại tướng, với chiếc máy ảnh hiệu Kiev, đã ghi lại hình ảnh lịch sử này.

Ảnh tư liệu chụp lúc 12h50 ngày 30/4/1975 tại Sở chỉ huy, thành cổ Hà Nội.

Trong khi đó, tại miền Nam, ngày 30/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đang đóng tại chỉ huy sở tiền phương - căn cứ Căm Xe thuộc xã Minh Thạch, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (nay xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Khi nghe báo cáo quân giải phóng đã chiếm dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng, cả Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh reo mừng. Trong sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về diễn biến được thuật lại tại Sở chỉ huy chiến dịch lúc đó: “Không còn là chuyện bất ngờ mà ai nấy đều giàn giụa nước mắt, siết chặt tay nhau, phấn khởi, tự hào”.

Các ông Lê Đức Thọ, đại diện Ban chấp hành trung ương Đảng tại mặt trận; đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch; Phạm Hùng, Chính ủy chiến dịch, xúc động ôm hôn mọi người. Thiếu tướng Đinh Đức Thiện (Phó tư lệnh chiến dịch) là người khóc ra tiếng to nhất. Thiếu tướng Trần Văn Trà (Phó tư lệnh chiến dịch) đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào sung sướng. Riêng ông Phạm Hùng, mở phanh chiếc áo bà ba, vừa cười to vừa bình luận sảng khoái, vừa ra lệnh chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

Trong bức ảnh lịch sử “Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại chỉ huy sở tiền phương”, do tác giả Võ Xuân Sáng, cán bộ bảo vệ đại tướng Văn Tiến Dũng chụp, ngoài các vị kể trên, còn có mặt thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng chiến dịch; Lê Xuân Kiện, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng binh chủng Tăng - Thiết giáp…

Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại chỉ huy sở tiền phương. Ảnh tư liệu.

Chiều 30/4/1975, tại dinh Độc Lập, sau khi đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trở về, đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, sư đoàn 304, đã bị một cán bộ trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 có mặt lúc đó đã phê bình là làm việc đó mà không báo cáo cấp trên.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, sau là Tư lệnh quân đoàn 2, rồi Tư lệnh quân khu 1, kể trong hồi ức: “Tôi không biết nói sao, bởi thực lòng trong tình thế đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao sớm để họ tuyên bố đầu hàng, chiến sự sẽ sớm chấm dứt, bớt đi những sự hy sinh không đáng có. Liền sau đó, đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân nói: Đây là Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304, sai đâu sẽ kiểm điểm sau, để cho đồng chí ấy về chỉ huy đơn vị".

Sau lúc ấy, ông Thệ lên xe về đơn vị, đi kiểm tra Tiểu đoàn 9 lúc này đã chiếm giữ Bộ tư lệnh Hải quân và cảng Ba Son, nhưng một số người dân xô vào cảng Ba Son cướp tài sản. Ông ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 phải bảo vệ không để cho dân vào cướp phá, đóng kín các cánh cổng và tổ chức canh gác chu đáo. "Sau đó tôi về Ban chỉ huy Tiểu đoàn 9. Lúc đó khoảng 17h chiều, tôi đi tắm giặt và lấy trong balô bộ quần áo mới toanh ra mặc, còn bộ quần áo cũ do đã mặc nhiều ngày nên tôi bỏ luôn. Sau này, tôi cứ tiếc mãi vì không giữ lại bộ quần áo còn vương bụi đường mà tôi đã mặc trong giờ phút lịch sử đáng nhớ của dân tộc", ông kể.

"Khoảng 17h30 ngày 30/4, tôi về Sở chỉ huy Trung đoàn đang ở tòa nhà Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ, ở trước của Dinh Độc Lập, về phía tay trái cách khoảng 500m. Về đến đây tôi gặp đồng chí Nguyễn Ân, Sư đoàn trưởng đang ở Sở chỉ huy Trung đoàn. Vừa thấy tôi, đồng chí Ân nói: Việc đưa Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh, các cậu xử trí như thế là đúng đấy, không có gì sai sót đâu. Lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm…", ông kể tiếp.

Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh quân đoàn 2, trong hồi ký “Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập”, kể về thời khắc lịch sử khi ông vào đến cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn trưa 30/4: "Khi tôi vào, Tổng thống Dương Văn Minh đã đi ra đài phát thanh. Chuẩn tưởng Nguyễn Hữu hạnh (quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn) trông thấy tôi đoán là người chỉ huy, nên báo cáo về tình hình trong dinh trước lúc quân giải phóng đến, giới thiệu nhân vật chính có mặt. Tôi nói với chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng không điều kiện và báo cho đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị khác nhau".

"Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng - xin phép được gặp đại diện Mặt trận với ý định bàn giao về nhà sớm. Tôi nói với ông Mẫu chúng tôi là quân nhân, vì vậy các anh cứ ở đây, ngay trong gian phòng này. Ngày mai sẽ có đại diện Mặt trận đến. Các anh cứ ngồi chơi thoải mái, hôm nay ăn thử một bữa cơm Việt cộng cho vui. Trông bọn họ cũng có vẻ yên tâm, nói cười vui vẻ với nhau", thiếu tướng Đan kể.

"Sau lúc thảo xong thông cáo số 1, khoảng 17h các đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào (Quân đoàn 4 được Bộ chỉ huy chiến dịch giảo nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập). Các đồng chí nói, các đồng chí có nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay xin cho bàn giao lại. Chúng tôi vui vẻ bàn giao ngay. Thật ra chúng tôi cũng muốn bàn giao nhanh để ra ngoài, nắm lại tình hình các đơn vị và trước mắt nghỉ ngơi một ít. Đã 4-5 ngày đêm không hề chợp mắt. Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau. Chúng tôi phải hết sức vất vả và mãi 24h mới về đến Thủ Đức", ông Đan kể trong hồi ức.

Thượng tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh quân đoàn 4, kể lại với tác giả Phan Hoàng trong cuốn “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam”: “13h30 ngày 30/4/1975, khi tôi vào đến dinh Độc Lập, được biết Dương Văn Minh cùng nội các của ông ta từ sáng sớm đến lúc ấy vẫn chưa ăn uống gì. Tất nhiên, họ sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi liền bảo họ: Các ông có thể nhờ người nhà đưa cơm nước và đồ cá nhân cần dùng tới, chứ đói sao chịu nổi… và đêm ấy, tôi cùng anh em binh lính nằm ngay trên hiên dinh Độc Lập nghỉ ngơi. Dù đang đói ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Đã nằm trong dinh Độc Lập rồi mà tôi cứ ngỡ mình đang mơ!".

Tướng Cầm kể tiếp: "Tôi nhớ hoài kỷ niệm đêm hôm đó. Tôi - Tư lệnh và anh Hoàng Thế Thiện - Chính ủy Quân đoàn 4 cùng nằm trò chuyện và ngủ ngay ngoài hiên dinh Độc Lập. Không mùng mền chiếu gối. Sáng dậy, muỗi đốt đỏ cả người. Chúng tôi đùa, muỗi Sài Gòn kinh quá! Sau này, mỗi lần gặp nhau, anh Thiện cũng hay nhắc lại kỷ niệm ấy. Cả hai cười vang”.

Tiên Long

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ngay-30-4-1975-cua-cac-vi-tuong-3395360.html

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được xác định là người lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thái Nguyên đã gửi tặng Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện quyển sách “Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Thanh niên tỉnh Thái Nguyên (1938-2012)” do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên xuất bản tháng 09-2012. Theo quyển sách này, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được xác định là người lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên.

Từ tháng 09-1945 đến năm 1946, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên, được Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên phân công phụ trách công tác thanh niên.

Đây là một thông tin mới về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện mà Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện vừa sưu tầm được và sẽ được bổ sung vào tiểu sử Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-03-1931 - 26-03-2016), Trang web hoangthethien.net xin trân trọng giới thiệu thông tin này.



Nhằm khắc phục tình trạng trên, giữa tháng 09-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được tổ chức tại xóm Trường Xô (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương). Hội nghị công bố Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kì chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, gồm 8 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh phân công đồng chí Hoàng Thế Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh phụ trách công tác tuyên truyền và công tác vận động thanh niên (công tác thanh vận). Đồng chí Hoàng Thế Thiện là Tỉnh ủy viên đầu tiên được Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thái Nguyên phân công phụ trách công tác thanh niên.



(Trích “Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Thanh niên tỉnh Thái Nguyên (1938-2012)”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên xuất bản, Thái Nguyên, tháng 09-2012)

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_bia

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_bia trong

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_p38-39

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_p45

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_p394

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_p401

Hoang The Thien_Lich su Tinh Doan Thai Nguyen_p402

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong Lịch sử Sư đoàn 312

"Thời gian này, Trung đoàn Sông Lô cũng có những thay đổi về tổ chức biên chế. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều đi xây dựng các đơn vị mới. Đầu xuân 1948, Trung đoàn đón nhận hàng nghìn thanh niên vừa xung phong tòng quân từ các tỉnh miền xuôi. Sau khi bổ sung quân số và cán bộ chỉ huy, các tiểu đoàn 502, 508, 420 đổi phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 130, 154 và 166. Đồng chí Vũ Lập và Hoàng Thế Thiện được điều về làm Trung đoàn trưởng và Chính trị viên Trung đoàn. Ngay sau khi củng cố lực lượng, Trung đoàn Sông Lô đã đánh trận nổi tiếng ở Nghĩa Đô khiến cho quân địch ở vùng Việt Trì, Phú Thọ khiếp sợ.

Tháng 8 năm 1948, quân Pháp tập trung lực lượng mở cuộc hành quân đánh lên Phú Thọ. Cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn Sông Lô liên tục quần nhau với địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong trận Phong Vực dưới sự chỉ huy mưu trí dũng cảm của hai đồng chí Đại đội trưởng (Chu Phương Đới và Huệ), hai đại đội ta đã phục kích diệt gọn một đại đội địch. Trong các trận Bến Then, Thiện Kế, Việt Trì, các đơn vị của Trung đoàn tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bảo vệ được một địa bàn rộng từ Phú Thọ, Phong Vực, Đồng Bủa đến Phúc Yên, Phủ Lỗ."

Trích "Lịch sử Sư đoàn 312 (1950 - 2010)", Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010 (trang 22-23)
hoangthethiendotnet_Lich su F312 (1950-2010)_bia

hoangthethiendotnet_Lich su F312 (1950-2010)_p22-23

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Tỉnh Sơn La bổ sung tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện vào Ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố và công trình công cộng

Ngày 28-10-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có Quyết định số 2552/QĐ-UBND do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cầm Ngọc Minh ký, về việc phê duyệt bổ sung ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố và công trình công cộng thuộc tỉnh Sơn La. Trong số các tên đường, tên phố được bổ sung đợt này có tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã từng có thời gian gắn bó với Sơn La:

- Cuối năm 1944, ông bị thực dân Pháp đày lên nhà tù Sơn La với án 5 năm khổ sai.

- Tháng 03-1945, ông tham gia thoát ngục Sơn La trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng.

- Tháng 04-1947, ông làm Phái viên chính trị rồi Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10, Quân khu ủy viên (Liên khu 10 gồm 8 tỉnh: Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và châu Mai Đà thuộc tỉnh Hòa Bình).

Phòng trưng bày của Di tích lịch sử nhà tù Sơn La có nêu tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện./.

Hoang The Thien_QD so 2552-1
Hoang The Thien_QD so 2552-2
Hoang The Thien_QD so 2552-3