Cho tới mùa xuân năm 1996 tôi đã sang tuổi 63 tức là đã gần
với tuổi Cha tôi lúc Người vĩnh viễn ra đi (67 tuổi). Mấy năm này tôi mới có
thời gian suy ngẫm, ôn lại lịch sử đời mình mà trong đó có đến nửa thời gian là
gắn bó với gia đình. Càng ngẫm nghĩ càng thấy thêm yêu mến, tự hào về gia đình,
dòng họ nhà ta, càng thấy trách nhiệm mình trong việc giáo dục con cháu, mong
muốn phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình mà các cụ đã xây dựng.
Hình ảnh Cha khi tôi còn thơ ấu
Tôi nhớ lại vào khoảng 1939-1940, gia đình lúc đó đã có tới
8 anh chị em: 6 trai, 2 gái (sau đó ngày 6.01.1946 mẹ sinh em Đại Đồng, và tới
cuối tháng 10.1949 sinh em Chí Công, gia đình có 10 anh chị em). Khi đó tôi 6-7
tuổi, gia đình đang ở Hải Phòng. Là con gái nên thời ấy hai chị em tôi không
được đến trường học. Cha tôi đón thầy giáo về nhà dạy cho mấy chị em: Chị Hiến
Chi, Quốc Ân, Hải Đạm, Hải Khoát và Dương Danh Dy (con cô Tư Hàm). Thầy dạy lâu
hơn cả là thầy Lưu Văn Thi. Thầy là học sinh trường Bonnal, là hướng đạo sinh
và sau này tôi biết thầy là Việt Minh. Sau cách mạng, thầy tham gia quân đội
lấy tên là Hoàng Thế Thiện, năm 1958 là chỉ huy trưởng sân bay Gia Lâm. Năm
1974 là Thiếu tướng, Chính ủy Quân đoàn 4, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm
Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Kinh tế của Bộ. Mấy năm sau thầy làm Thứ
trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thầy mất năm 1995 tại thành phố Hồ Chí
Minh. Năm 1971, thầy có đến Thanh Xuân thăm tôi và sau đó về quê Đông Tác, Trung
Tự thăm mẹ tôi. Thầy là người đã sớm truyền thụ lòng yêu nước, chí căm thù thực
dân Pháp cho chị em chúng tôi. Năm 1940, khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, chính
quyền thành phố Hải Phòng phát không ảnh thống chế Pétain cho mọi người, thầy
bảo chúng tôi: Pétain là kẻ bán rẻ nước Pháp, các em nên xé ảnh đi. Nhà thầy
rất nghèo. Chúng tôi có đến chơi nhà thầy ở đường Lạch Tray mấy lần.
Sau thầy Lưu Văn Thi, Cha nhờ một cô giáo (tôi quên mất tên
cô) dạy ít lâu thì đến ngày tiền khởi nghĩa, rồi Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng
tôi bỏ học. Sau cách mạng, gia đình dọn lên Hà Nội, chúng tôi mới được cắp sách
đến trường. Chị Hiến Chi và tôi học ở trường Trưng Vương, do bà Thục Viên làm
hiệu trưởng.
Tính Cha rất hiền, Người không hề đánh các con một lần nào
dù là tát, bợp tai. Khi bực lắm cũng chỉ nghiêm nét mặt, đằng hắng giọng. Khi
các con 18 tuổi, Cha chuyển sang gọi là anh, chị. Đối với mẹ tôi cũng vậy, không
bao giờ thấy hai thân to tiếng, nặng lời với nhau. Khi có trách nặng, Cha chỉ
nói một câu: “Mợ mày không bằng bà nội, bà nội lại không bằng cụ” (ngày xưa
cướp đến nhà, cụ bà bình tĩnh ngồi trong nhà bắn nỏ ra đuổi cướp).
Ngày ngày Cha đến trường trung học Bonnal (nay là trường
THPT Ngô Quyền) dạy học. Cha đi làm bằng chiếc xe đạp màu đen, về nhà lại đặt
xe lên chiếc giá bằng gỗ để dễ lau chùi.
Nhà ăn cơm ngày hai bữa: bữa sáng từ 8-9 giờ, bữa chiều
16-17 giờ. Không ăn lót dạ sáng sớm. Hằng ngày, 4 giờ sáng Cha đã dậy chong đèn
đọc sách, sau đó tập thể dục, tắm nước lã dù là mùa đông (nhà tắm có vòi hoa
sen, Cha người béo đứng tắm dưới vòi nước không sợ lạnh).
Bữa cơm gia đình rất giản dị, không cao lương mỹ vị như một
số gia đình bậc trung hồi đó. Thường là rau muống luộc, thịt kho tàu, muối vừng
hoặc canh riêu cá, giá xào, cá kho v.v... Hôm nào hào hứng Cha mới bảo người
nhà mang liễn ra hiệu Hiệp Lợi ngoài phố Cát Dài mua phở về cả nhà cùng ăn. Đến
tháng lương thứ 13 (thường vào ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 hàng năm) Cha
mua một chai xi rô cam khao cả nhà. Đàn con thích lắm. Tối tối khi rỗi việc Cha
gọi các con lại đọc sách, kể chuyện, đánh đàn Băng giô cho nghe.
Từ bé tôi đã có nhận xét: Giữa Cha và các con không có sự
ngăn cách quá mức như các cụ nhà Nho mà thực sự là bình đẳng, Cha coi các con
như bạn của mình. Có lẽ nhờ vậy mà không khí trong gia đình luôn luôn vui vẻ,
nhộn nhịp, dân chủ. Trong nhà không bao giờ thấy có chuyện bàn bạc tính toán
tiền nong vụ lợi, nói xấu người này, bình phẩm người khác. Quanh mâm cơm chỉ
nói chuyện gia đình vui vẻ. Anh cả (Hải Trừng) khi tranh luận thời sự quốc tế
với Cha cũng có lúc gân cổ lên lý sự, nhưng Cha không hề cắt ngang hay lên
tiếng phê phán.
Mỗi năm vào dịp nghỉ hè, Cha đi chấm thi một lần. Người
chuẩn bị rất chu đáo: là quần áo, mang đủ giầy dép. Màu giầy tương ứng với quần
áo, cravát màu đứng đắn, mũ phớt màu nâu và xám. Người thường mặc bộ complê màu
nâu, mùa hè màu trắng, tóc húi cua, không để râu.
Mùa hè, lúc đi sinh hoạt Hướng đạo sinh, Cha thường mặc quần
soóc, áo sơ mi cộc tay đều màu trắng, giầy thể thao, mũ cũng màu trắng (hồi đó người
ta đánh mũ và giầy vải bằng thứ phấn trắng nước).
Cha lúc nào cũng khoẻ mạnh, không mấy khi đau yếu vặt. Những
ngày nghỉ hằng năm Cha thường về quê (Trung Tự, Hà Nội) thăm ông bà. Có năm Người
đi cắm trại tận Yên Tử, Bạch Mã cùng anh em Hướng đạo sinh. Cũng có năm Người
tổ chức cho vợ con đi cắm trại bên Kiến An (núi Phủ Liễn) với các học sinh của
mình.
Người mới 40 tuổi mà đã đạo mạo. Tôi nghe người ta thường
gọi là “cụ giáo”, “cụ Đốc”. Các anh chị học sinh trường Bonnal rất quí Cha, họ thường
đến nhà thăm thầy, có khi lại đàn hát tại nhà thầy. Anh Nguyễn Đình Thi, chị
Hoàng Hải (em anh Hoàng Quý) hát rất hay.
Sau này có học sinh tuổi đã cao khi qua nhà tôi ở Trung Tự,
Hà Nội vẫn ghé vào thắp hương cho thầy.
Người rất uyên thâm chữ Hán, đọc được cả cổ văn như Tứ thư,
Ngũ kinh, Đường thi, các tác phẩm của Thi Nại Am, Tào Tuyết Cần... Cha bảo tôi:
“Phải đọc nguyên bản mới thấy hết tính bác học của văn chương Tào Tuyết Cần,
tính uyển chuyển quý phái của ngôn ngữ tác phẩm Hồng Lâu Mộng”.
Cha cũng tinh thông tiếng Pháp. Tủ sách của Người có các
sách văn học cổ điển Pháp, văn học Thế kỷ Ánh sáng châu Âu. Người tiếp thu tư
tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của văn hoá phương Tây cộng với cái sâu sắc, tinh
tế của triết học Lão Tử, Khổng Tử ở phương Đông. Trong nhà có treo một bức
tranh Khổng Phu Tử ở phòng khách.
Trong một cuộc gặp gỡ thầy trò Khu Học xá trung ương khoá
1953 –1956, thầy Đinh Gia Khánh có nói với tôi: “Cụ Tảo giỏi cả Đông Tây kim cổ”
(Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Gia Khánh là thầy dạy văn học lớp 3A Xã hội
chúng tôi ở Khu Học xá trung ương, Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc).
Nhưng Cha chỉ giỏi chữ Hán mà không nói được tiếng phổ thông
Trung Quốc. Khi làm việc với các chuyên gia Trung Quốc, Người thường dùng “bút đàm”.
Có lần tôi thấy Cha và ông khách bút đàm đến hơn 1 giờ đồng hồ, hai bên hỉ hả
vui lắm.
Năm 1951, khi là Tổng Thư ký Ban Tu thư Trung ương, Cha có
dịch cho Bộ Giáo dục một cuốn sách Địa lý từ chữ Hán. Dịch mất hàng năm trời nhưng
sách không được in chỉ vì các danh từ phiên âm kiểu Hán Nôm làm người đọc rất
khó tiếp thu, ví dụ: Stalin là Tư Đại Lâm, Italia là Ý Đại Lợi v.v... Thế là bỏ
phí một năm trời lao động vất vả.
Cha rất yêu thiên nhiên. Trong sân nhà lúc nào cũng có dàn
hoa thiên lý, cây khế, cây nhãn, cây hoàng lan. Khi có điều kiện, Người đưa vợ
con ra tắm ở Đồ Sơn hoặc sang núi Phủ Liễn, Kiến An cắm trại. Chúng tôi còn bé
mà đã phải dạy sớm, đi bộ ra cầu Niệm rồi đi tiếp xe tay sang Kiến An cắm trại
tới chiều tối mới về. Sang Phủ Liễn tôi được thấy rừng thông, được hái sim ăn,
được bắt châu chấu voi, hát hò với các anh hướng đạo sinh rất vui. Bọn trẻ
chúng tôi còn tham gia chơi trò đánh moóc-xơ với các anh chị nữa.
Chúng tôi thường đi cắm trại ở chùa Hàng Kênh, chùa Dư Hàng,
núi Cột Cờ, núi Voi, núi Vọ, v.v... Trưa nắng, cả đoàn người nghỉ dưới gốc cây thông,
ăn cơm nắm với muối vừng, tôm rim, uống nước đun sôi để nguội do mẹ chuẩn bị.
Thật là giản dị và vui vẻ.
Tôi nhớ có một lần nhóm bắt được một con châu chấu voi màu
xanh, một con màu nâu. Cha chỉ vào tảng đá nâu, giảng giải: hai con châu chấu
này có màu sắc giống màu lá cây và màu tảng đá để dễ lẩn trốn kẻ rình bắt, Đacuyn
(Darwin) gọi là quy luật Vạn vật tương ứng. Sau này khi đọc tiểu sử bà Mari
Quiri (Marie Curie) tôi thấy có sự liên hệ giống nhau kỳ lạ giữa lời giải thích
của Cha và lời giải thích của ông Pie Quiri (Pierre Curie) về hiện tượng tự
nhiên đó với bà Mari Quiri trong tuần trăng mật của ông bà.
Đồ đạc trong nhà tôi đều là những thứ giản dị. Các phòng
thoáng, sáng, thường là hai ba phía có cửa sổ. Nhà xây theo kiểu nhà Ánh sáng -
kiểu nhà đang được quảng bá thời đó. Các đồ gỗ đánh véc ni không chạm khắc gì.
Mỗi cái đều sử dụng tiện lợi, thí dụ: phòng trẻ con có một cái tủ, chúng tôi
gọi là tủ gromot. Tủ có 10 ngăn (5x2). Mỗi đứa một ngăn, tự gấp, tự lấy quần áo
khi thay. Phòng ăn kê một phản gỗ trắc, cả nhà ăn trên phản đó. Tại nhà ngang
có kê bàn ăn cho lũ trẻ dùng. Phòng khách gồm bàn ghế, một bộ xô pha không đệm,
một tủ nhỏ đựng chiếc máy hát kiểu thế kỷ XIX, có loa, chạy bằng kim. Cha thích
nghe các bài ca trù do các cô đào nổi tiếng hát. Hồi đó tôi không thích. Sau
này khi có tuổi, tự nhiên tôi lại rất thích nghe hát dân ca, ca trù, nhất là
các bài do nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ và nghệ sĩ ưu tú Kim Dung hát. Càng
nghe càng thấm thía chất giọng cao sang, sang sảng cũng như nội dung thâm thuý
của các bài ca trù đó. Ông nội tôi (cụ Cử Cầu) cũng thích nghe ca trù, thường
thì Nội đưa thơ của mình sáng tác cho cô đào hát, mình thì cầm trống điểm nhịp.
Nghe hát ca trù đúng là thú vui tao nhã của dân tộc ta. Vào tuổi 70 tôi lại
càng thấm thía cái tinh hoa văn hoá dân tộc đó được các thế hệ cha ông giữ gìn
yêu quý. Thì ra nó đã ngấm vào máu thịt mình từ thuở ấu thơ và đến nay khi về
già nghỉ hưu nghe băng nhạc, đĩa CD, xem băng hình mới bộc lộ được ý thích của
mình về thưởng thức văn hoá dân tộc.
Trong phòng khách phải kể đến hai chiếc tủ kính đựng đầy
sách của Cha. Sách đều mạ vàng ở gáy, sắp xếp gọn gàng và dễ tìm. Tôi đọc thấy
có sách văn học cổ điển châu Âu (Pháp), các tác phẩm triết học, văn học Trung
Quốc cổ đại, trung đại, báo Phong Hoá ngày nay của Tự lực văn đoàn, báo Thanh
Nghị. Hồi đó tôi đã đọc Lôi Vũ, AQ Chính truyện (do ông Đặng Thai Mai dịch)
đăng nhiều kỳ ở báo này.
Tôi rất yêu mến tủ sách và hay lân la đến xem, lau chùi, đọc
một số truyện, bài thơ tiếng Việt ở các báo đó mà ngày nay tôi vẫn còn nhớ. Lúc
đó tôi đã có ý nghĩ sau này mình cũng sẽ lập một tủ sách gia đình như của cha.
Nhưng mơ ước của tôi không thực hiện được vì trong hai cuộc kháng chiến, gia
đình tôi phải tản cư và sơ tán, sách bỏ một nơi, chuột mối gặm mất nhiều và bị
mất do phải di chuyển chỗ ở.
Theo dòng chảy của thời gian, tôi khôn lớn rồi trưởng thành
dần, hình ảnh Cha thân yêu càng ngày càng in đậm trong trí óc, cứ nghĩ đến,
nhìn đến ảnh Người trên bàn thờ lại chảy nước mắt, thương nhớ khôn nguôi.
Thưa Cha kính yêu, con đã nên người chính là nhờ công lao
nuôi nấng, dạy dỗ của Cha Mẹ và truyền thống giáo dục của đại gia đình ta.
Buổi đầu độc lập
Năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Cha
được Chính phủ mời về thủ đô làm Tổng Giám đốc Nha Tiểu học vụ toàn quốc. Lúc
này tình hình chính trị của đất nước rất khó khăn. Bọn Tàu Tưởng và Việt gian
hay gây rối, bắt cóc tống tiền. Cha tôi được Chính phủ bố trí cho ở nhà số 9
phố Lê Thánh Tông, chung một tòa biệt thự hai tầng với ông Phạm Lợi làm Đổng lý
Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục (Bộ trưởng là ông Vũ Đình Hoè). Nhà tôi ở tầng
hai. Cha cho hai chị em tôi đi học, thi vào lớp đệ tam trường trung học Trưng
Vương. Nhưng chỉ học vài tháng thì nổ ra cuộc Toàn quốc kháng chiến.
Cha theo cơ quan xuống Vân Đình (Ứng Hoà, Hà Đông) rồi lên
Việt Bắc. Tôi cùng các em và mẹ theo bà nội, chú thím Ba Nghiêm về quê bà nội ở
Đông Phù, Đông Mỹ, Thanh Trì rồi sang Trung Lập, xã Ba Lăng, huyện Thường Tín,
nơi có nhà một học trò cũ của ông nội. Khi Pháp đánh xuống phía Nam Hà Nội, cả
đại gia đình lại theo chú Hai Kha (Thiều Chửu) ngược sông Đáy lên ở Tùng Thiện,
Sơn Tây. Cho tới sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, Cha đích thân về
đón cả nhà lên Thái Nguyên.
Cha tôi mua một căn nhà gỗ ở xã Tân Cương, huyện Đại Từ,
tỉnh Thái Nguyên. Lúc này cảnh gia đình đông con tản cư kháng chiến thật là
gian khổ, lo không đủ hai bữa ăn. Cha tự hướng dẫn các con trai lên rừng đẵn cây
về làm giường kiểu kháng chiến tức là giường có chân là 4-6-8 cọc gỗ có chạc,
hai thanh gỗ ngang dài làm vai giường, rồi đặt các thang giường. Giát giường là
nứa đập dập đan nong đôi hoặc nong đơn. Mấy cha con tự làm lấy bếp, chuồng gà.
Bọn con gái vào rừng kiếm củi, hái rau tàu bay, rau má. Sau này 4,5 mẹ con
chúng tôi đi hái chè thuê cho các chủ đồi chè. Đồi chè càng rậm cỏ tranh thì
giá công càng cao, hình như 3 kg chè búp được 1 kg gạo hẩm. Mấy mẹ con ngày
kiếm đủ gạo ăn. Mấy em trai đặt bẫy chim cuốc, đánh cá dưới suối. Cha đi công
tác xa cả tháng mới về một lần. Những ngày ở nhà Cha lao động chân tay suốt
buổi. Nào chẻ lạt, đánh tranh lợp nhà, nào cuốc đất trồng rau, nom như một lão
nông.
Cuối năm 1948, Bộ Giáo dục điều Cha lên Lạng Sơn mở trường
Trung học Việt Bắc, đào tạo lớp trí thức đầu tiên người dân tộc. Khi nhà trường
đã ổn định, Cha cho người về đón gia đình lên Lạng Sơn. Trường lúc đó ở Kéo
Coong, Nà Đồng, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Lớp học là đình và các gian nhà
tranh dựng dưới bóng cây ven tỉnh lộ Bình Gia - Lạng Sơn. Học sinh ở trọ trong
các bản làng gần đấy. Học sinh đa số là người dân tộc Tày, một số người Dao.
Nhiều anh em sau này trưởng thành giữ các trọng trách ở trung ương và địa
phương như anh Bế Viết Đẳng Viện trưởng Viện Dân tộc học, anh Bế Kiến Quốc Hội
Nhà văn Việt Nam, anh Phùng Đức đại tá quân đội (đã hy sinh), anh Hà Huy Thoại
Trưởng ty Giáo dục tỉnh Lạng Sơn, v.v..
Thời gian làm hiệu trưởng, Cha rất bận công việc hành chính.
Ngoài lãnh đạo công tác văn phòng hành chính, Cha còn dạy một số giờ các môn Vật
lý, Hoá học. Trường mới thành lập nên cái gì cũng mới. Giáo viên phải tuyển từ
các tỉnh về. Lạng Sơn lúc đó là tỉnh miền núi heo hút, vùng kháng chiến trải
rộng khắp mạn rừng núi đá, đi lại khó khăn đặc biệt là lương thực không đủ ăn.
Những ngày ở Kéo Coong gia đình thường ăn khoai lang độn gạo. Hàng ngày phải ra
chợ vét “trứng chảy” (tiếng dân tộc Tày) tức từng bơ sữa bò gạo. Gạo nhà nước
cung cấp không đủ. Cha ra sức tăng gia sản xuất. Nhà tôi ở trên một quả đồi,
Cha cho vỡ đất trồng sắn, rồi trồng mướp, bí bầu, rau ngót, rau cải quanh nhà.
Cha bắc nước chảy theo ống bương từ núi về vườn. Đất ở đây tốt lắm, rau lên
xanh mơn mởn ăn không hết. Mẹ tôi còn ít vàng nữ trang phải đem bán dần để nuôi
đàn con. Khí hậu Lạng Sơn dễ chịu, vùng Bình Gia không có sốt rét, con gái má
cứ đỏ hây hây.
Ba chị em Ân, Đạm, Khoát theo học trung học. Hoành, Bằng,
Bật, Đồng còn nhỏ thì ở nhà. Anh cả Hải Trừng đi bộ đội thoát ly, chị Hiến Chi công
tác ở Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Lạng Sơn. Tám người con cùng cha mẹ sống những
ngày rất gian khổ nhưng vẫn vui ở Kéo Coong, cho đến tháng 7 năm 1950 Bộ Giáo
dục lại điều Cha về Tuyên Quang làm Tổng Thư ký Ban Tu thư Trung ương của Bộ,
chuyên việc soạn các loại sách giáo khoa.
Thời gian ở Lạng Sơn gia đình thường ăn không đủ no, mặc
không đủ ấm. Những đêm mùa đông khí hậu Kéo Coong xuống tới 2 độ, bọn trẻ phải
nằm quanh đống lửa mà ngủ, chăn đắp không đủ, chiếu cũng không có. Chính củi của
núi rừng Lạng Sơn đã sưởi ấm gia đình suốt mùa đông. Chúng tôi lúc đó đang tuổi
lớn thấy các bạn đi học quần áo đầy đủ mà thèm, nhưng không hề ganh tị so đọ mà
càng quyết chí học giỏi, học một năm hai lớp để mau ra công tác đỡ gánh nặng
cho cha mẹ.
Tôi nhớ cuối tháng 10 năm 1949 Mẹ sinh em Chí Công, Cha đóng
một cái chõng cho mẹ nằm. Bà đỡ là phụ huynh học sinh có con học trường Trung học
Việt Bắc mà Cha tôi làm Hiệu trưởng, Cha biếu bà chục trứng gà.
Tôi học hai năm ở trung học Việt Bắc lên ba lớp từ đệ nhất
bỏ đệ nhị lên thẳng đệ tam. Khi vào lớp đệ tam thì Cha đổi về Tuyên Quang. Mẹ
và các em nhỏ vẫn ở Nà Đồng Tôi và Đạm, Khoát theo trường sơ tán sang huyện Bắc
Sơn học cho đến đầu năm 1951 Cha cho người đón gia đình sang Tuyên Quang.
Chợ Ngọc - Tuyên Quang
Cả gia đình gồng gánh nhau đi qua Thái Nguyên, vượt đèo Khế,
bỏ sông Lô, ngược sông Chảy qua huyện Yên Bình lên chợ Ngọc, Tuyên Quang. Cơ quan
Ban Tu thư Bộ Giáo dục đóng trong rừng lim nước cực kỳ độc: tôi về đây hai
tháng bị sốt rét ác tính da xanh mét, đi không vững. Ăn không đủ, thức ăn chỉ
có măng và sắn, không có nước mắm, mỡ, thịt. Suối trong vắt không có cá. Trong
rừng chỉ lắm ổi nhiều măng. Cả gia đình lao đao.
Đầu năm 1951 ba chị em chúng tôi xin vào học lớp ngắn hạn ở
trường Sư phạm sơ cấp trung ương của Bộ mở. Cha làm việc bên Ban Tu thư. Cơm
phần lớn là gạo nếp con, ăn với bí đỏ, học sinh gọi là “bí ử”. Bây giờ nghĩ lại
vẫn thấy sợ món cơm gạo nếp con ăn với bí đỏ xào chay và rau tàu bay. Rừng chợ
Ngọc sẵn cọp, nhiều sốt rét. Có hôm vừa chạng vạng tối tôi đã nhìn thấy cọp vào
cõng lợn của dân chạy ra rừng, thật hú vía.
Tháng 7 năm 1951, tôi tốt nghiệp Sư phạm, ra dạy học cấp 1 ở
trường phổ thông Tân Trào, xã Châu Sơn, huyện Yên Sơn. Còn nhớ ngày ra nhận công
tác, tôi có ghé qua chỗ Cha công tác (hình như ở Chiêm Hoá). Cha làm cho một
ống nứa thịt lợn rang muối theo tỉ lệ 1/1, một gói cơm nếp nắm và tiễn đưa con
gái một đoạn đường. Lúc này mẹ và các em đã được Bộ Giáo dục đưa sang Khu Học
xá Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Ở trong nước chỉ còn anh cả đang ở trong
quân đội, chị Hiến Chi, Hải Đạm và tôi.
Cho tới năm 1952 chị Hiến Chi và Hải Đạm cũng được sang Khu
học xá học Sư phạm trung cấp. Trước đó ít lâu Cha cũng sang Trung Quốc. Trước khi
đi Cha không gặp được tôi, nhưng trong túi còn bao nhiêu tiền Cha gửi cho con
gái thông qua thầy Hà Thế Ngữ là giáo viên trường Tân Trào và là học trò của
Cha.
Khu Học xá Trung ương
Cuối năm 1951, Cha được Bộ Giáo dục bố trí làm giáo viên
trường Sư phạm trung cấp ở Khu Học xá trung ương đặt tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung
Quốc. Vì Cha giỏi chữ Hán nên đây là đất dụng võ của Người. Cha mải mê dịch các
tác phẩm giáo dục học của Liên Xô (qua sách báo Trung Quốc) và là người đầu
tiên dịch các tác phẩm Giáo dục học của Cai Rốp, Makarenko để truyền bá khoa
học giáo dục-tâm lý xã hội chủ nghĩa vào trường Sư phạm Việt Nam. Người giảng
môn Giáo dục học ở trường Sư phạm cao cấp, Trung cấp. Người đào tạo giáo viên
Giáo dục học cho trường Sư phạm sơ cấp, rồi cùng với các giáo viên khác lập bộ
môn Tâm lý giáo dục học, đưa lý luận Giáo dục học tiên tiến vào ngành giáo dục
Việt Nam.
Học sinh trường Trung cấp Sư phạm Khoa học xã hội yêu mến
Cha thường thân mật gọi Cha là “Ba Tảo” cùng với hai thầy dạy Lịch sử là “Ba
Khang” (thầy Trần Văn Khang), “Ba Giáp” (thầy Trần Văn Giáp) là ba thầy giáo
già đức độ rất có uy tín.
Cha mẹ và em Chí Công ở một gian nhà tập thể khu gia đình do
Khu Học xá phân phối. Tôi ở theo lớp khu nữ sinh, chủ nhật mới về thăm cha mẹ. Hàng
ngày Cha mang phích nước đến bếp tập thể lấy nước sôi, xếp hàng lấy cơm tập
thể. Sáng sáng vẫn đều đặn tập thể dục, tắm nước lã, sinh hoạt tập thể với hội
đồng giáo viên. Cha được các thầy thế hệ sau như thầy Hoàng Như Mai, Dương Xuân
Nghiên, Đinh Gia Khánh ... rất kính trọng.
Tham gia Cải cách ruộng đất
Năm 1954, hoà bình lập lại ở Đông Dương, kháng chiến chống
Pháp thắng lợi. Cha cùng một một số thầy về nước tham gia cải cách ruộng đất (CCRĐ)
ở vùng chiến khu Việt Bắc, lúc này đã cơ bản xong, bộc lộ một số khuyết điểm
rất lớn. Cha đã viết thư cho Tổng Bí thư Trường Chinh (học trò của Cha ở
trường Thành chung Nam Định 1924-1925) trình bày một số sai lầm của CCRĐ. Người
trở lại Khu học xá với nét mặt buồn rầu. Tôi tìm hiểu và được biết chú Hai Kha
(tức cư sĩ Thiều Chửu, em ruột cha) đã mất do sai lầm của CCRĐ. Chú bị đội CCRĐ
vu cáo là địa chủ bóc lột trẻ em tế bần. Chịu không nổi sự phỉ báng, xuyên tạc
thô bạo về tinh thần, ý nghĩa “cứu nhân độ thế” của việc mình làm trong mấy
chục năm nay, ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1954) chú đã trẫm mình ở đập Thác
Huống trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, đúng một ngày sau khi làm giỗ cha mình
(cụ Cử Cầu, tức ông nội tôi).
Mãi tới năm 1999 các cháu của chú mới tổ chức được lễ cầu
siêu cho chú ở chùa Quán Sứ nhân kỷ niệm 45 năm ngày chú qua đời.
Ngày 21 tháng 6 năm 2002 các cháu lại cùng tạp chí Xưa &
Nay (Hội Khoa học Lịch sử) và tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường)
tổ chức hội thảo 100 năm ngày sinh Nhà Văn hoá Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha tại
nhà Thái Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chú là một học giả uyên thâm về Hán học
và Phật học, một cư sĩ Phật giáo giàu lòng nhân ái cứu nhân độ thế. Tôi hết sức
kính trọng và khâm phục chú.
Về trường Đại học Sư phạm
Cuối năm 1955, Cha được điều về làm Hiệu trưởng trường Sư
phạm trung cấp trung ương Hà Nội. Tôi và các em Hải Bằng, Hải Bật, Đại Đồng lưu
luyến tiễn đưa cha mẹ và em Chí Công rời Khu học xá về Việt Nam.
Công việc quản lý của Cha ở trường mới hết sức phức tạp, bởi
giáo sinh từ nhiều nguồn khác nhau tập trung về trường. Trong trường có các sinh
viên trường Đại học nhân dân, sinh viên các trường sư phạm ở Khu Học xá chuyển
về, chẳng bên nào phục bên nào, nên gây nhiều chuyện, không được thuần như hồi
ở Khu Học xá. Cha cố gắng làm hết sức mình, nhưng Người không quen công tác
quản lý một trường lớn và phức tạp như vậy nên một năm sau khi đã ổn định, Cha
về làm Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý giáo dục học trường Đại học Sư phạm cho tới cuối
năm 1964 thì nghỉ hưu.
Năm 1966, Mỹ gây chiến tranh phá hoại leo thang miền Bắc.
Cha theo gia đình riêng của tôi sơ tán lên Canh Nậu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà
Tây. Cha nói với Mẹ tôi: “Chồng nó đi chiến đấu xa, tôi phải lên chăm nom mẹ con
nó”. Tôi xin ghi nhớ suốt đời tấm lòng thương yêu con gái này của Cha. Khi Bộ
Giáo dục lên sơ tán mạn gần đó, các cán bộ giáo dục lão thành thường đến thăm
Cha.
Cha con, ông cháu ở với nhau rất đầm ấm. Có miếng gì ngon
tôi đều mời Cha dùng để Người vui vẻ lúc tuổi già. Nào ngờ chỉ được mấy tháng, tháng
9 năm 1966, Cha bị xuất huyết não. Tôi nhờ được một số người võng đưa Cha lên
bệnh viện Thạch Thất, rồi gọi điện về Hà Nội đưa ô tô lên đón cha về bệnh viện
Hữu Nghị Việt Xô. Do tuổi già, đường xa lại xóc, thuốc men chữa bệnh não lúc đó
chưa có gì nên được một tuần thì cha qua đời (ngày 26 tháng 9 năm 1966 tức ngày
12 tháng 8 Bính Ngọ).
Cha mất đi khi gia đình còn ba em chưa trưởng thành: Hải
Bằng đang học tại Học viện Thủy lợi, Đại Đồng đang trong quân ngũ, Chí Công
đang du học bên Tiệp Khắc. Hải Bật thì đang chiến đấu ở miền Đông Nam bộ. Sau này
các em đều phấn đấu trưởng thành cả.
Thế là từ nay Cha vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau thương nhớ
tiếc cho mẹ và các con cùng anh em họ hàng, bà con và học trò trên khắp cả nước.
Cha tôi thực sự là một người cha nhân từ, người thầy nghiêm
khắc mẫu mực hết lòng thương yêu chăm lo dạy dỗ con cái nên người. Hình ảnh của
Cha mãi khắc sâu trong trái tim con.
Hà Nội, 1996
Nhà giáo Nguyễn Thị Quốc Ân
(Trích từ tập hồi ức "Trong sáng những tấm gương")