Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện với Nam Bộ

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài - Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ & Môi trường Quân khu 7

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, miền Nam “đi trước về sau” là nơi hội tụ nhiều cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền đất nước về chiến đấu. Từ chiến trường này, không ít người trưởng thành, trở thành tướng lĩnh, cán bộ quân sự cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một người như thế. Trong màu áo quân phục, bước chân của Ông trải nhiều chiến trường khắp cả nước, sang cả chiến trường nước bạn. Và trên bước đường ấy, Ông có đến 10 năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ trong tổng cộng 35 năm quân ngũ. 10 năm không phải là tất cả, nhưng không phải là ngắn trong lịch sử chiến đấu một đời người. 10 năm đủ để Ông gắn bó, hệ lụy, và giao biến một phần phẩm cách của mình trong cái phẩm cách đặc thù của đồng bào Nam Bộ.

Mùa thu năm 1949, Chính ủy Trung đoàn Sông Lô Hoàng Thế Thiện có mặt trong phái đoàn quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Xuyên dọc vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình – Phú, Liên khu 5, qua Đông Nam Bộ, Ông về đến chiến khu Đồng Tháp Mười trong lúc chiến trường Nam Bộ đang bước vào giai đoạn hết sức khó khăn. Thực dân Pháp, thực hiện kế hoạch của Ri-vơ (Revers) – tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp, thành lập chính phủ ngụy quyền tay sai Bảo Đại, phát triển ngụy quân, đẩy mạnh bình định Nam Bộ với chiến thuật ô vuông “de la tuor” nhằm dồn quân ra chiến trường chính Bắc Bộ. Đó cũng là thời điểm Xứ ủy Nam Bộ vừa kết thúc hội nghị triển khai nhiệm vụ “tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”. Hoàng Thế Thiện được cử làm Phái viên kiểm tra thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Mặt trận Việt Minh ở địa phương và công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, Ông đến từng đơn vị quân đội, tìm hiểu và đề xuất nhiều ý kiến với Bộ Tư lệnh và Xứ ủy Nam Bộ về xây dựng lực lượng vũ trang tập trung mạnh nhằm thực hiện những đòn tấn công lớn làm chuyển biến cục diện chiến trường.

Trong đà phát triển thuận lợi của cuộc kháng chiến từ năm 1950, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về “gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công”, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định giải thể các liên trung đoàn địa phương, thiết lập các trung đoàn chủ lực, tiến hành hàng loạt chiến dịch lớn nhằm phối hợp có hiệu quả với chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuối năm 1950, Hoàng Thế Thiện về thay Nguyễn Văn Sa làm Chính ủy Trung đoàn Tây Đô (thành lập ngày 18 tháng 5 năm 1950) do Huỳnh Thủ làm Trung đoàn trưởng. Cùng với việc củng cố, xây dựng trung đoàn chủ lực đầu tiên ở Tây Nam Bộ, Ông tham gia chỉ huy các chiến dịch Long Châu Hà II, Sóc Trăng II ở Châu Thành, Châu Phú A (tỉnh Long Châu Hà), Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng). Cùng với lực lượng vũ trang địa phương, Trung đoàn Tây Đô đã diệt hàng trăm tên địch, phá hủy, bức rút hàng chục đồn bót, tháp canh, thu nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích ở địa phương, gây ảnh hưởng chính trị lớn đối với đồng bào tín đồ Hòa Hảo và đồng bào Khơ-me vùng sau lưng địch.

Giữa năm 1951, chiến trường Nam Bộ được tổ chức lại, giải thể các Khu để thành lập Phân Liên khu (miền Đông, miền Tây) và Đặc khu (Sài Gòn – Chợ Lớn). Lực lượng vũ trang được sắp xếp lại. Bộ Tư lệnh Nam Bộ giải thể các trung đoàn chủ lực để thành lập các tiểu đoàn chủ lực thuộc Phân Liên khu và các tiểu đoàn tập trung thuộc các tỉnh mới. Trung đoàn Tây Đô giải thể, Phân Liên khu miền Tây thành lập lại Trung đoàn Cửu Long. Hoàng Thế Thiện về làm Chính ủy Trung đoàn và khi Trung đoàn này giải thể, Ông về giữ chức vụ Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây. Ở cương vị mới, Ông cùng cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh Phân Liên khu đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, tổ chức chỉnh huấn, chỉnh Đảng, góp phần cùng quân và dân Tây Nam Bộ đấu tranh giằng co quyết liệt với địch, giữ vững phong trào kháng chiến, thực hiện công tác tôn giáo vận trong đồng bào theo đạo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thực hiện tạm cấp ruộng đất và bảo vệ nhân dân sản xuất, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội ở các địa phương vùng giải phóng – căn cứ địa. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ông đã nỗ lực cùng hệ thống chính trị trong Phân Liên khu vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, phát triển tăng gia sản xuất, tiến hành chiến dịch địch – ngụy vận, xây dựng căn cứ địa và vùng giải phóng, tuyên truyền thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức lực lượng ở lại và tập kết ra miền Bắc.

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới đi một nửa chặng đường. Mùa thu cách 15 năm về trước, khi lần đầu tiên vào Nam trong phái đoàn quân sự Trung ương, Hoàng Thế Thiện trở lại chiến trường Nam Bộ. Cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn cuối của chiến lược chiến tranh đặc biệt. Lực lượng vũ trang cách mạng ở vào thời điểm tiền thành lập những “quả đấm” chủ lực mạnh. Thượng tá Hoàng Thế Thiện về chiến trường miền Trung Nam Bộ, đảm trách nhiệm vụ Phó Chính ủy Quân khu 8. Giữa năm 1965, Nhà Trắng buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, trực tiếp đưa quân viễn chinh chiến đấu vào Nam Việt Nam. Cần phải có những đơn vị chủ lực mạnh hầu đối phó thắng lợi trong tình thế cường độ cuộc chiến tranh được địch đẩy lên cao chưa từng thấy. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, lần lượt, các sư đoàn Quân giải phóng ra đời. Và Hoàng Thế Thiện được cử về làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9, Sư đoàn mà Bộ Chỉ huy gồm những cán bộ quân sự xuất sắc như Hoàng Cầm, Lê Văn Tưởng, Nguyễn Thế Bôn. Đối tượng tác chiến của Sư đoàn, ngoài các sắc lính ngụy, là những đơn vị chiến đấu sừng sỏ và có truyền thống lâu đời vào loại bậc nhất của quân đội Mỹ. Đó là lữ đoàn 173 không vận với sức cơ động nhanh chưa từng có trong chiến tranh Việt Nam, sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ” với biểu tượng chiếc mộc chắn thời trung cổ, sư đoàn bộ binh cơ giới 25 “Tia chớp nhiệt đới” với nhiều bội tinh từ cuộc Thế chiến thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Hoàng Thế Thiện đã cùng Đảng ủy Sư đoàn lãnh đạo, xây dựng đơn vị đoàn kết, vững chắc về chính trị, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật đánh vận động, đánh công kiên, xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trước khi về nhận nhiệm vụ mới ở Mặt trận Tây Nguyên, Ông đã cùng Sư đoàn tổ chức thắng lợi nhiều trận đánh ở Lai Khê, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Đồng Sở, Dầu Tiếng, Long Nguyên, cống hiến những kinh ngiệm quý báu ban đầu về cách đánh quân viễn chinh Mỹ.

Sau thắng lợi của chiến dịch Đường 14 – Phước Long tháng giêng năm 1975, Cách mạng miền Nam đứng trước tình thế một cuộc Tổng tiến công chiến lược cuối cùng. Thiếu tướng Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn Hoàng Thế Thiện, một lần nữa, được về lại chiến trường Nam Bộ, giữ trách nhiệm Chính ủy Quân đoàn 4. Trong nhịp điệu hết sức khẩn trương những ngày đầu năm 1975, Quân đoàn 4 triển khai tiến công địch trên hai hướng: quốc lộ 13 và quốc lộ 20. Trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh địch trên hướng Dầu Tiếng – Chơn Thành, Chính ủy Quân đoàn Hoàng Thế Thiện đã cùng các đơn vị bộ đội giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, tiến công địch ở An Lộc – Chơn Thành, rồi lật cánh, cùng lực lượng toàn Quân đoàn thực hành trận đánh 12 ngày đêm ở Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” phòng ngự phía đông của địch, phát triển đánh chiếm Trảng Bom, sân bay quân sự, căn cứ quân khu 3, quân đoàn 3 ngụy ở thị xã Biên Hòa; từ đó tiến về dinh Độc Lập, giải phóng thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ông cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 lãnh đạo, chỉ huy bộ đội thực hành tiếp quản, quân quản thành phố Sài Gòn, cải huấn ngụy quân, truy quét tàn quân địch và trấn áp lực lượng phản động, xây dựng bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trong thành phố, khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết chính sách thời hậu chiến, tham gia xây dựng kinh tế, tổ chức lại đơn vị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện lịch sử mới.

Có thể nói rằng, chặng đường chiến đấu của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở Nam Bộ gắn liền với các đơn vị chủ lực, với quá trình xây dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang chủ lực ở Nam Bộ, từ trung đoàn đến cấp quân đoàn. Ông có mặt hầu khắp chiến trường Nam Bộ, từ miền Tây, miền Trung lên miền Đông và thành phố Sài Gòn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những ngày tháng sôi động sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Những gì Ông để lại cho lực lượng vũ trang Nam Bộ là hình ảnh một cán bộ chính trị – quân sự kiên trung, tận tuỵ, sâu sắc, mực thước và dung hậu. Với tư cách một người lính cầm súng, trên dọc đường hành quân đánh giặc, Nam Bộ là nơi Ông dừng chân nhiều nhất, cũng là nơi Ông dừng lại sau cùng./.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

 Thu Dai tuong VO NGUYEN GIAP_1

Trong thư viết tay đề ngày 05-09-2003 gửi Ban liên lạc Ban B.68 Trung ương Đảng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để chúc mừng Lễ Tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện như sau:

"Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu."

Thu Dai tuong VO NGUYEN GIAP_2

Trong thư đề ngày 16-10-2003 gửi Ban Tổ chức Lễ Tưởng niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tổ chức tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (TP.HCM), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện như sau:

"Chúng ta bày tỏ niềm thương tiếc đồng chí Hoàng Thế Thiện, một cán bộ trung kiên của Đảng và Quân đội, luôn được giao những chức vụ quan trọng ở nhiều chiến trường và đơn vị trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cán bộ và chiến sĩ tin yêu."

Phim tài liệu "Ba lần Nam tiến"

Phim tài liệu "Ba lần Nam Tiến" khắc họa một cách chân thực cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) do Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TP.HCM sản xuất năm 2005. Kịch bản: Đinh Phong. Đạo diễn: Việt Bình. Lời bình: Phan Hoàng. Thời lượng: gần 24 phút.


Chân dung Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện qua các thời kỳ

Tiểu sử Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)

Chân dung Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995)

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, bí danh: Tụng, Hoàng Dân, Tư Dân.

Ông tham gia cách mạng năm 1940, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 4 năm 1945, nhập ngũ tháng 4 năm 1947. Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng theo Lệnh số 21-LCT ngày 16 tháng 4 năm 1974 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng.

Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922 tại ngõ Mai Viên, đường A-giăng Blăm-bây (Rue Agent Blambay)[1], thành phố Hải Phòng trong một gia đình dân nghèo thành thị và yêu nước.

Ông là con trai thứ hai của vợ chồng cụ Lưu Văn Ngữ (1892-1946) và Trịnh Thị Tạc (1897-1944). Cụ Lưu Văn Ngữ quê ở thôn Hạ, xã Lê Xá, tổng Đội Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); là một người học Nho và là một đầu bếp giỏi ở Hải Phòng. Cụ là người có tư tưởng yêu nước, từng tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Gia đình cụ là cơ sở của nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng (sau là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ thập niên 1920. Năm 1927, cụ tham gia rải truyền đơn trong vụ người Việt và Hoa kiều đánh nhau ở Hải Phòng và, do đó, bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam 6 tháng. Những năm 1936-1938, cụ tham gia phong trào mặt trận Bình dân, là sáng lập viên và là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu công nhân tư gia thành phố Hải Phòng.

Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ thân phụ nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal[2], Ông đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, Ông tham gia Tiểu tổ bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng cở sở cách mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị địch khủng bố tan rã trước đó. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Truyền bá quốc ngữ từ năm 1940 và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng.

Tháng 1 năm 1942, Ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc và được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên cứu quốc của Việt Minh thành phố Hải Phòng đồng thời phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh thành phố. Cuối năm 1942, do gia đình quá nghèo, Ông đã phải thôi học, làm gia sư rồi làm thư ký đánh máy công nhật ở Ngân hàng Đông Dương. Sau một đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố Hải Phòng có kết quả vào cuối năm 1942, Ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo.

Tháng 3 năm 1943, do có sự phản bội của một phần tử AB chui vào tổ chức, Ông bị thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh tại Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, Ông được kết nạp vào Nhóm Trung kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù cứu quốc ở Sơn La, được Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và vận động quần chúng.

Tháng 3 năm 1945, Ông được Đảng tổ chức cho vượt ngục tập thể trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 4 năm 1945, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai (thuộc Chiến khu Hoàng Hoa Thám).

Tháng 8 năm 1945, Ông tham gia cướp chính quyền tại thị xã Thái Nguyên rồi được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Tháng 10 năm 1946, Ông làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.

Tháng 4 năm 1947, Ông được Khu ủy Khu 10 điều vào Quân đội làm Phái viên chính trị Khu 10 rồi Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10 – Quân khu ủy viên. Tháng 7 năm 1948, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô.

Tháng 9 năm 1949, Ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Tháng 7 năm 1950, Ông làm Phái viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11 năm 1950, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9), Chỉ huy phó các chiến dịch Long Châu Hà II và Sóc Trăng II. Cuối năm 1951, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Tháng 10 năm 1952, Ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ – Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1955, Ông tập kết ra miền Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ. Tháng 6 năm 1955, Ông học tại Trường chỉnh huấn chính trị Trung, Cao cấp ở Bộ, Hiệu ủy viên. Tháng 12 năm 1955, Ông làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3 – Quân khu ủy viên.

Tháng 7 năm 1956, Ông làm Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay. Tháng 12 năm 1958, Ông được phong quân hàm Thượng tá. Tháng 1 năm 1959, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân. Từ tháng 12 năm 1960 đến tháng 12 năm 1962, Ông được cử đi học tại Học viện Không quân Trung Quốc, Bí thư Chi bộ Đoàn học viên. Năm 1963, Ông học tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Tháng 10 năm 1964, Ông trở lại chiến trường Nam Bộ trên con tàu “không số” (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân.

Lúc này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương thành lập một sư đoàn chủ lực ở miền Tây Nam Bộ. Ông về miền Tây để chuẩn bị cho việc thành lập sư đoàn này và đảm nhiệm chức vụ Chính ủy sư đoàn nhưng vì nhiều lý do khách quan nên sư đoàn này không thành lập được.

Tháng 12 năm 1964, Ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7 năm 1965, Ông về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 – Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy – Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.

Tháng 2 năm 1966, Ông được thăng quân hàm Đại tá. Tháng 8 năm 1966, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận B3 (Tây Nguyên). Tháng 1 năm 1969, Ông làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304.

Tháng 7 năm 1970, Ông làm Phó Chính ủy – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 Nam Lào rồi tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (tháng 1 năm 1971). Tháng 6 năm 1971, Ông làm Phó Chính ủy – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559)[3] rồi kiêm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470[4]. Tháng 5 năm 1973, Ông làm Chính ủy – Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Tháng 4 năm 1974, Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Tháng 2 năm 1975, Ông được điều trở lại Chiến trường B2 (Nam Bộ) làm Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4 – Bí thư Đảng ủy Quân đoàn, Phó Chính ủy – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh B2. Tháng 4 năm 1975, Ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng đông – một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháng 5 năm 1975, Ông được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 4 năm 1977, Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế – Bí thư Đảng ủy Tổng cục.

Từ tháng 10 năm 1978 đến tháng 6 năm 1982, Ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Cam-pu-chia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, Phó Tổng đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Cam-pu-chia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Cam-pu-chia (Đoàn 478).

Tháng 7 năm 1982, Ông làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội.

Tháng 5 năm 1983, tại Đại hội Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam toàn quốc lần thứ II, Ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Tháng 2 năm 1987, Ông làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ông là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS Việt Nam (1987-1990).

Tháng 7 năm 1989, Ông được nghỉ hưu.

Ông mất hồi 14 giờ 40 phút ngày 5 tháng 9 năm 1995 tại Viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.

Do những công lao và thành tích cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc, Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
  • Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2002);
  • Huân chương Độc lập hạng Nhất;
  • 4 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
  • Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba;
  • Huân chương Chiến thắng hạng Nhất;
  • Huân chương Chiến công hạng Nhất;
  • Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ;
  • 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
  • 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba);
  • Huy hiệu 50 tuổi Đảng;
  • Huy chương Quân kỳ quyết thắng;
  • Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày;
  • Huy hiệu Vì nghĩa vụ Quốc tế;
  • Huy hiệu Thành Đồng Tổ Quốc.
và nhiều huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu cao quý khác.

Ông được Hội đồng Viện hàn lâm Hermann Gmeiner thuộc Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế trao tặng giải thưởng “Kim vàng danh dự” do có những đóng góp đặc biệt cho Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế.

Tên và tiểu sử của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã được đưa vào Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam[5], Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam[6]./.

[1] Còn gọi là ngõ Con Sấu, nay là ngõ 11 phố Trần Bình Trọng, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
[2] Nay là Trường phổ thông trung học Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
[3] Đoàn 559 là đơn vị tương đương quân khu do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp lãnh đạo chỉ huy (Quyết định số 176 QĐ-QP ngày 29 tháng 7 năm 1970 của Bộ Quốc phòng).
[4] Có quyền hạn như Bộ Tư lệnh sư đoàn.
[5] Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1996, tái bản năm 2004.
[6] Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tái bản năm 2006.