Đồng chí Hoàng Thế Thiện (phải) và đồng chí Đào An Thái chụp tại Hà Nội. |
Có những tình bạn được hình thành từ ngày còn thơ bé, ta thân thương gọi đó là bạn “thời trẻ trâu”; Có những người bạn chúng ta quen khi cùng ngồi chung một lớp, ta gọi đó là bạn học; Có những người bạn gặp gỡ và giúp đỡ nhau trong công việc, ta gọi đó là đồng nghiệp; Và cũng có những người bạn họ gặp nhau trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, để rồi họ đã “hết lòng, hết dạ” vì nhau, đó là những người bạn tri kỷ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu tới bạn đọc về một tình bạn cao quý của 2 chiến sỹ cách mạng, họ đã gặp và làm bạn với nhau trong chốn lao tù.
Hai người đó họ gặp nhau lần đầu tiên không phải ở chung một lớp học, mà là ở trong trại giam tù chính trị của Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Đồng chí Lưu Văn Thi ở đoàn tù chính trị Hải Phòng lên, còn đồng chí Vũ Duy Nhai ở đoàn tù chính trị Thái Bình tới. Đó là những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và đưa tới giam giữ tại Hỏa Lò. Xuất phát từ việc trong một bữa ăn, đồng chí Lưu Văn Thi làm gãy đũa, ngay lập tức, đồng chí Võ Duy Nhai nhường đũa của mình cho bạn, họ thân nhau từ lần đó.
Là người giỏi tiếng Pháp, đồng chí Lưu Văn Thi được phân công phụ trách nhóm học tiếng Pháp, đồng chí Vũ Duy Nhai không giỏi ngữ pháp nên thường đọc sai và hay bị bạn mình “chọc tức”. Ngược lại, đồng chí Vũ Duy Nhai lại nắm rất chắc chương trình và điều lệ Việt Minh, nên được phân công nhiệm vụ hướng dẫn anh em học chính trị. Có lần đồng chí Lưu Văn Thi phát biểu chưa chính xác, ông đã bị bạn mình “vặn lại”… Họ cứ trêu chọc nhau, thậm chí còn “to tiếng”, nhưng sau đó lại vui vẻ với nhau, hàng tối lại cùng nhau chui xuống dưới gầm sàn trong trại giam để nhỏ to tâm sự.
Đồng chí Lưu Văn Thi có khuôn mặt đẹp trai với đôi mắt sáng, miệng tươi, lúc nào cũng như đang cười, đặc biệt đôi môi đỏ như đánh son, nên thường được anh em khu trại nam chọn để đóng vai “con gái” trong các buổi diễn kịch, do anh em tù chính trị tổ chức. Không có đồ trang điểm, nên anh em phải lấy vôi cạo ở tường để làm phấn, lấy màu đỏ của bao hương để tô má hồng, bôi môi son, lấy than củi làm bút kẻ lông mày. Sau lần đầu được vào vai con gái, đồng chí Lưu Văn Thi bị vôi ăn ngứa hết mặt, đồng chí đã tuyên bố “sẽ không đóng kịch nữa”. Nhưng vì được bạn tù tín nhiệm, liên tục đề nghị, đồng chí lại vui vẻ nhận lời, dù biết rằng sau đó mặt mình sẽ bị ngứa vì vôi ăn.
Sau những cuộc đấu tranh của tù nhân chính trị, cai ngục thường phạt cùm hoặc đàn áp anh em. Là người to khỏe hơn, đồng chí Lưu Văn Thi thường nói với đồng chí Vũ Duy Nhai: “Mình với cậu ngồi liền nhau, lúc nó đánh thì cậu phải nằm ra phía sau, để phía trước mình che cho cậu”, đồng chí Vũ Duy Nhai không nghe liền bị bạn gắt lại: “Cậu gầy như con mắm, nó quật cho một phát thì gãy cổ”.
Đồng chí Lưu Văn Thi (Hoàng Thế Thiện - đứng thứ hai), đồng chí Vũ Duy Nhai (Đào An Thái - đứng thứ ba) chụp tại chiến khu Việt Bắc. |
Những ngày tháng sống cùng nhau trong tù, dù không tránh khỏi những lúc “sóng gió”, nhưng không vì thế mà tình bạn của họ phai nhạt đi. Trong những hoàn cảnh gian khó, hai người bạn ấy càng thêm gắn bó. Trên đường bị đày lên Nhà tù Sơn La, đồng chí Lưu Văn Thi luôn tìm cách che chở cho bạn khỏi bị đòn roi của kẻ địch. Trong lúc cùng nhau trốn, không may đồng chí Vũ Duy Nhai bị mảnh đạn của địch ném ra găm vào đùi trái, không ngần ngại, đồng chí Lưu Văn Thi liền “ghè răng vào cắn và giật mạnh”, miếng gang nhỏ bằng đầu đũa được đồng chí lấy ra từ chân của bạn mình như thế. Biết bạn đau, đồng chí luôn tìm cách an ủi để bạn mình cố gắng vượt qua.
Sau khi thoát khỏi nhà tù, các đồng chí lại tiếp tục trở về chiến khu hoạt động, đồng chí Lưu Văn Thi đổi tên là Hoàng Thế Thiện (vì cùng quê với đồng chí Lương Khánh Thiện); Đồng chí Vũ Duy Nhai đổi tên là Đào An Thái (vì quê ở Thái Bình).
Trong những năm kháng chiến và sau khi nước nhà được thống nhất, hai người bạn đó ít có điều kiện liên lạc, gặp gỡ nhau thường xuyên nhưng họ vẫn thường hỏi thăm, nhắn nhủ nhau mỗi khi có thể. Đồng chí Đào An Thái được cử giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, sau đó chuyển lên Trung ương, công tác ở Hà Nội; Đồng chí Hoàng Thế Thiện vào Nam chiến đấu, được phong quân hàm Thiếu tướng rồi được cử giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng họ vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ về nhau.
Chúng tôi xin phép được trích đăng những tình cảm mà đồng chí Đào An Thái đã viết về người bạn của mình thay cho lời kết của bài viết: “…Thiện có lòng vị tha, giành khó về mình, nhường dễ cho bạn, đồng chí, đồng đội… Thực ra, những lúc đó chỉ củ khoai, miếng sắn, mảnh khăn, chiếc áo vá, so với ngày nay rõ ràng chẳng đáng gì, nhưng “miếng khi đói bằng gói khi no”… mà tình bạn mới có thể vững bền, sâu đậm không thể nào quên”.
Viết đến đây, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của câu nói: “Một người bạn tốt giống như một ngày nắng đẹp, có thể lan tỏa ánh sáng đi khắp muôn nơi”./.
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền, Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò
Nguồn: http://hoalo.vn/Articles/12/244/Doi-ban-tri-ky.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét