Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Thành phố Cần Thơ đã có tên đường Hoàng Thế Thiện

Ngày 12-07-2019, tại Kỳ họp thứ mười ba, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND về việc đặt tên 10 tuyến đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019.

Tất cả 10 danh nhân được đặt tên đường đợt này đều thuộc phân nhóm III, do có công lao đặc biệt tiêu biểu và có tầm ảnh hưởng trong vùng - đảm bảo phù hợp với phân nhóm đường. Tất cả 10 danh nhân đều có tiểu sử gắn bó với địa phương; hoặc có các mốc lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với tỉnh Hậu Giang (cũ), tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, địa bàn Quân khu 9 và vùng đất Nam Bộ; hoặc có tiểu sử gắn bó với danh nhân đã được đặt tên cho các tuyến đường lân cận.

Các tuyến đường dự kiến đặt tên đợt này là đường đô thị, tập trung đông dân cư, được xây dựng theo quy hoạch đô thị và được đưa vào sử dụng ổn định (không quy định chiều dài tối thiểu). Tất cả 10 tuyến đường này đều thuộc phân nhóm III - phù hợp với phân nhóm tên nêu trên, do đảm bảo quy định tối thiểu 02 làn xe, lòng đường rộng tối thiểu 06 mét và đấu nối với các tuyến đường chính của đô thị. Trong đó, có 3 tuyến đường được đặt tên danh nhân Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Thế Thiện và Lê Văn Tưởng có chiều dài từ 320 mét đến 360 mét; tuy ngắn, nhưng các tuyến đường này cũng được đấu nối với các tuyến đường chính của thành phố là đường Quang Trung và đường Võ Nguyên Giáp.

Trong số 10 tuyến đường đặt tên mới lần này, có đường Hoàng Thế Thiện tại khu dân cư Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng.

Đường Hoàng Thế Thiện dài 360m, lòng đường 7,5m, lộ giới 15m, 2 làn xe, phân nhóm III. Đường Hoàng Thế Thiện tuy ngắn, nhưng được đấu nối với tuyến đường chính của thành phố Cần Thơ là đường Quang Trung.

Đường Hoàng Thế Thiện (tên tạm gọi trước khi đặt tên là Đường B7 - khu dân cư Hưng Phú 1) có giới hạn từ đường Quang Trung đến Đường A5 - khu dân cư Hưng Phú 1 (đường được đặt tên Hoàng Văn Thái đợt này).

Việc đặt tên đường mang tên Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tại thành phố Cần Thơ - thủ phủ miền Tây Nam Bộ thể hiện sự trân trọng của chính quyền và nhân dân đất Tây Đô đối với những cống hiến của ông với miền Tây Nam Bộ nói riêng và với Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã có những cống hiến với miền Tây Nam Bộ qua những giai đoạn lịch sử đáng chú ý:

*Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954):

- Tháng 09-1949: ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Ông về thẳng miền Tây Nam Bộ để hoạt động.

- Tháng 07-1950: ông làm Phái viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

- Tháng 11-1950: ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (trung đoàn chủ lực thuộc Khu 9); Chỉ huy phó các chiến dịch: Long Châu Hà II, Sóc Trăng II. Khu 9 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Vĩnh Long và Trà Vinh.

- Cuối năm 1951: ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (trung đoàn chủ lực thuộc Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Châu Hà (gồm phần tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc ở hữu ngạn Sông Hậu và Hà Tiên).

- Tháng 10-1952: ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ, Quân khu ủy viên, Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

- Cuối năm 1954: ông tập kết ra Bắc rồi phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ.

*Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975):

- Tháng 10-1964: ông trở lại chiến trường Nam Bộ bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, trên con tàu “không số” (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân, được giao nhiệm vụ về thẳng miền Tây Nam Bộ xây dựng sư đoàn chủ lực.

- Tháng 12-1964: ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8. Quân khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và Bến Tre.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện rất vui mừng khi có 2 vị tướng là bạn chiến đấu với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cùng được đặt tên đường tại quận Cái Răng đợt này là:

- Trung tướng Nguyễn Chánh (2017-2001). Trong kháng chiến chống Pháp, Trung tướng Nguyễn Chánh làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là Chủ nhiệm Chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.

- Trung tướng Lê Văn Tưởng (1919-1907). Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ. Khi đó, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng rất vinh dự và tự hào khi đường Hoàng Thế Thiện có điểm đầu giao với tuyến đường chính mang tên vị Anh hùng Dân tộc Quang Trung và có điểm cuối giao với tuyến đường mang tên vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng - Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986).

Cần Thơ là thành phố cuối cùng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là địa phương Nam Bộ thứ hai (sau thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt tên đường Hoàng Thế Thiện.

Như vậy, tính đến nay (tháng 7-2019), sau khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện qua đời đã hơn 20 năm, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ đều đã có tên đường/phố Hoàng Thế Thiện.

Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét