Là người thực hiện những chuyến bay đầu tiên sau khi
Trung đoàn 919 (nay là Đoàn bay 919) thành lập, Đại tá Trần Văn Nam, nguyên phi
công trung đoàn đã lập nhiều thành tích xuất sắc và được tham gia đại hội thi
đua của Cục Không quân. Tại đây, phi công Trần Văn Nam vinh dự được đón Bác đến
thăm và nghe những lời chỉ dạy ân cần của Người.
Tháng 10-1960, sau hơn một năm thành lập, Cục Không quân tổ
chức đại hội thi đua tại hội trường Trung đoàn 919. Buổi sáng ngày làm việc thứ
hai, chiếc trực thăng Mi-4 số hiệu VN50D đưa Bác đi công tác về đã hạ cánh tại
sân bay Gia Lâm. Khi đó, Cục trưởng Đặng Tính, Chính ủy Hoàng Thế Thiện cùng
các đại biểu dự đại hội đã đứng đợi ở dưới đường băng. Phi công Trần Văn Nam và
các đại biểu đã rất xúc động khi Bác bước từ trực thăng xuống, tươi cười hỏi:
“Các chú không quân ra đón Bác phải không? Hôm nay Bác đi công tác về, các chú
tổ chức đại hội thi đua, Bác sẽ vào thăm nhưng trước hết cho Bác đi thăm nơi ăn
ở của phi công đã”.
Ông Nam kể lại: “Vừa dứt lời, Bác đi xuống dưới nhà bếp, tất
cả cùng đi theo Người. Bác đi vòng quanh nhà ăn, nhìn thấy những hạt cơm rơi
dưới chân bàn, Người quay sang nhắc nhở lãnh đạo Cục Không quân: Các chú phải giáo
dục bộ đội về tính tiết kiệm. Người nông dân rất vất vả mới làm ra được hạt
gạo. Trong khi đó, nước ta còn nghèo nên không được để cơm rơi vãi. Bác rẽ sang
khu nhà ở phi công. Đó là khu nhà tiếp quản lại của Pháp nên cơ sở vật chất còn
tốt, hai người một phòng, có nhà vệ sinh khép kín, tủ quần áo, nhìn thấy ngăn
nắp, Bác rất hài lòng”.
Từ khu nhà ở, Bác vòng lên hội trường. Người không lên xe ô
tô mà đi bộ. Trên đường đi, Bác hỏi về tình hình tư tưởng của bộ đội không
quân. Đồng chí Hoàng Thế Thiện trả lời: “Thưa Bác, một số anh em vừa mới ở mặt trận
về chưa được hưởng chế độ gì, quân hàm còn thấp nên cũng băn khoăn ạ”. Người ân
cần nói: Bác đã nghe phản ánh ở các đơn vị khác cũng như vậy. Bác sẽ lựa lời
nói với bộ đội.
Khi Bác bước tới hội trường, các đại biểu đứng lên hô vang
“Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Từ trên bục đoàn chủ tịch, Bác ra hiệu cho mọi người
ổn định rồi nói:
- Bác nghe các cô, các chú mở hội nghị kết thúc một năm thi
đua yêu nước. Bác rất vui và khen ngợi toàn đơn vị. Bác mong các cô, các chú
giữ vững và phát huy thành tích, lần sau Bác đến được nghe nhiều thành tích hơn
nữa.
Tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên. Bác nói tiếp:
- Không quân là một tập thể rất lớn nên khi lập công là lập
công tập thể. Bác ví dụ nôm na cho các cháu dễ hiểu. Cái đồng hồ chạy được là
nhờ có bánh răng, chỉ cần một nấc bị hỏng là kim giờ, kim phút, kim giây không
hoạt động được. Tập thể không quân cũng như chiếc đồng hồ vậy. Muốn lái máy bay
tốt, an toàn phải có máy móc tốt. Nghĩa là các chiến sĩ thợ máy phải làm việc
giỏi, lại cần có chỉ huy tài, có người thông báo thời tiết chính xác, vệ sinh
đường băng sạch sẽ, chăm lo bữa ăn chu đáo... Đối với phi công chiến đấu, người
cầm lái ấn nút máy bay cũng là thực hiện công lao tập thể. Tổ bay vận tải 3 đến
5 người cũng phải bàn bạc phát huy trí tuệ tập thể. Do vậy, các cô, các chú
phải thương yêu, cùng nhau đồng lòng góp sức làm tốt nhiệm vụ.
Nghe lời Bác, tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên không dứt.
Người lại ân cần động viên:
- Hiện nay, việc đãi ngộ của Nhà nước tùy vào công sức đóng
góp của từng người. Do vậy, các cháu không được suy bì giữa mặt đất và trên không.
Hồi Bác sang Liên Xô sau nội chiến, nhân dân Liên Xô còn gặp rất nhiều khó
khăn, thiếu thốn nhưng vẫn có người được chăm sóc đặc biệt. Đó là các cháu
thiếu nhi và các chiến sĩ lái máy bay. Các cô, các chú có hiểu tại sao không?
Các cháu thiếu nhi là mầm non của đất nước, càng được nâng niu, quý trọng. Các
chiến sĩ lái máy bay là những người lao động đặc biệt, vì họ không chỉ cầm lái,
cầm súng đấu tranh với địch mà còn phải làm việc ngay trên trời cao, đòi hỏi
phải tiêu hao nhiều sức lực. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chăm sóc để bù đắp
lại sức lực tiêu hao đó. Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe cho phi công để sử
dụng lâu dài, tiết kiệm nguồn nhân lực. Các cháu phải hiểu đào tạo phi công rất
khó khăn, tốn kém, như lớp các chú ngồi đây phải đi Liên Xô, Trung Quốc học bao
năm trời. Do vậy, không phải cá nhân đồng chí đó được ưu tiên mà vì lợi ích của
đất nước.
Câu nói của Bác Hồ đã làm các đại biểu rất xúc động khi chạm
đúng tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Bác hiểu quá sâu sắc về những người lái
máy bay. Sau cùng, Bác nhấn mạnh:
- Điều thứ nhất Bác dặn các cô, các chú, mỗi người đều phải
vì dân, vì nước cố gắng lập công xuất sắc. Điều thứ hai, mọi người đều phải
đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong công tác và đời sống hằng ngày. Điều thứ
ba là từ lãnh đạo đến nhân viên phục vụ đã có thành tích rồi thì phải khiêm tốn
học tập, học hỏi lẫn nhau để có nhiều chiến sĩ thi đua hơn nữa.
Cả hội trường ngồi im phăng phắc nghe lời căn dặn của Người,
dứt lời, mọi người đồng loạt vỗ tay. Sau khi Bác phát biểu, lãnh đạo Cục Không quân
mời Bác chụp ảnh lưu niệm. Người bảo: Đông thế này không đứng ở hành lang hội
trường, ta phải ngồi xuề xòa ra mới được nhiều người. Bác cháu ta quây quần như
thế này quần chúng hơn. Nói rồi Bác chủ động ngồi xuống trước sân hội trường,
tất cả mọi người vui vẻ đứng ngồi xung quanh Bác.
Khi Bác về rồi, đồng chí Nam vẫn còn thấy bâng khuâng xúc
động vì những tình cảm của Người dành cho bộ đội không quân. Khắc ghi lời Bác
dạy, trong suốt quá trình công tác, phi công Trần Văn Nam luôn cố gắng nỗ lực hết
mình, bảo đảm những chuyến bay an toàn thắng lợi, xứng đáng là thế hệ phi công
vận tải đầu tiên của Đoàn bay 919. Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng những lời dạy
của Bác vang lên giữa sân bay Gia Lâm trong sáng mùa thu năm 1960 vẫn mãi là
lời động viên để cựu chiến binh Trần Văn Nam tiếp tục phấn đấu giữ gìn và phát
huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
VŨ DUY (Sự kiện và Nhân chứng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét