Đầu năm 2005, khi về làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội
nhân dân, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tôi gặp Hoàng Anh Thi, con trai Thiếu tướng
Hoàng Thế Thiện, đến cơ quan theo dõi in cuốn sách “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế
Thiện”.
Là người có 30 năm gắn bó với không quân, danh tiếng của vị
tướng nhắc tôi nhớ tới sự ngưỡng mộ và ân tình sâu đậm của nhiều thế hệ cán bộ,
phi công, thợ máy… đối với vị Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay (1956-1959), Chính
ủy Cục Không quân.
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (Lưu Văn Thi) sinh năm 1922 tại
Hải Phòng, quê gốc ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tham
gia cách mạng từ năm 1940, ông 3 lần Nam tiến (năm 1949, 1964, 1975). Quãng đời
hoạt động của ông gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
của một số đơn vị chủ lực ở Nam Bộ, từ trung đoàn đến quân đoàn, quân khu. Ông
có mặt ở hầu khắp các chiến trường, từ miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam Bộ
và Sài Gòn, trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ
và những năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia... Ông đảm
nhiệm nhiều trọng trách, như: Chính ủy Bộ đội Trường Sơn; Chính ủy đầu tiên của
Quân đoàn 4; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh
tế-Bí thư Đảng ủy Tổng cục; Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy
Đoàn chuyên gia Việt Nam, Phó tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại
Campuchia kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia... Tại Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành
Trung ương Đảng.
Hoàn thành trọng trách của một vị tướng, ông giữ chức Thứ
trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa II), Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch danh dự đầu tiên Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Ông mất ngày 5-9-1995 tại TP Hồ Chí Minh.
Mới đây, khi hay tin đã có nơi lưu niệm về Thiếu tướng Hoàng
Thế Thiện, thú thực, tôi rất xúc động. Một chiều mưa, tôi tìm đến ngôi nhà ở số
2/47 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Xuất phát từ
việc hằng năm các đoàn cựu chiến binh, rồi khách trong Nam, ngoài Bắc vẫn tới
thăm và dâng hương cụ Thiện, anh Thi nảy ra ý tưởng cải tạo phòng khách của gia
đình thành phòng lưu niệm thân phụ.
Với sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Thành ủy TP
Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Ban liên lạc truyền thống CCB
Quân đoàn 4 và một số tổ chức, cá nhân nhiệt tâm, sau một thời gian tích cực triển
khai, nhà lưu niệm tướng Hoàng Thế Thiện được khánh thành trong niềm xúc động
của gia đình, đồng đội.
Vỏn vẹn trong 20 thước vuông ấm cúng, ở vị trí trang trọng
của phòng tưởng niệm là bàn thờ và tượng đồng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, phía
trên là cờ Tổ quốc. Hai bên là tiểu sử của ông và bảng vàng ghi lời nhận xét
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi tướng Thiện qua đời. Có hơn 100 bức ảnh và
gần 300 hiện vật gồm đồ dùng, đồ lưu niệm, giấy tờ, tài liệu, huân, huy chương,
kỷ niệm chương, huy hiệu… Trên giá là khoảng 100 cuốn sách và gần 100 bài báo
có liên quan. Đáng chú ý là chiếc xe đạp nội địa cũ, kỷ vật gắn bó với ông
những năm trở về với đời thường.
Không gian trưng bày khái quát cuộc đời hơn 50 năm hoạt động
cách mạng của vị tướng xông pha trận mạc, một chính khách tài năng và đức độ.
Cách bài trí vừa trang nghiêm, giản dị lại vừa giàu sức gợi mở. Từng mảng trưng
bày dẫn dắt người xem đi từ Hải Phòng, nơi gắn bó với tuổi thanh xuân của vị
tướng và chặng đường tham gia cách mạng, làm nghĩa vụ quốc tế. Hình ảnh Bác Hồ
thăm và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Cục Không quân; các đồng chí lãnh đạo cấp cao
của Đảng, Nhà nước và quân đội với tướng Hoàng Thế Thiện…
Nổi bật phía trước phòng tưởng niệm là “vách Trường Sơn”,
gợi nhớ về tuyến lửa hào hùng, nơi ông tham gia chiến đấu, mở đường chi viện
cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước (tháng 7-1970 đến tháng 1-1975). Dễ gì quên được hình ảnh vị tướng
mặc quân phục Quân Giải phóng giản dị, đội mũ tai bèo, nở nụ cười hào sảng, lạc
quan, phía sau là hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau ra trận. Ở mảng này có
bài thơ của Đại tá Hoàng Ngọc Giao-một chiến sĩ Trường Sơn viết viếng ông. Có
thể nói, ông là vị tướng vượt Đường Hồ Chí Minh trên biển để mở Đường Hồ Chí
Minh trên bộ và là vị tướng vừa tham gia mở đường chi viện cho miền Nam, vừa
tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên vách phòng tưởng niệm có treo đôi câu đối nói về thân
thế, sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh
cung tiến:
“Tâm đức thiện, chí khí cao, cả đời vì dân, vì nước
Chính trị tài, quân sự giỏi, sự nghiệp lưu mãi sử xanh”
(Trong câu đối có chữ “Thiện” là tên ông, chữ “Lưu” là họ
khai sinh của ông).
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Tá Nhí cung đề:
“Nghĩa thắm tình thay, từ trận mạc Thái Nguyên đến chiến
trường Xuân Lộc, thân dân tư đạo thọ sơn hà
Công to lớn lắm, khi ăn cơm đất Bắc, lúc đánh giặc phương
Nam, ái quốc thử tâm huyền nhật nguyệt”.
Anh Thi giới thiệu về khoảnh sân phía trước, bước qua cổng
nhỏ có tên “ngõ Mai Viên”, gợi nhớ về đất cảng Hải Phòng, nơi sinh trưởng và
tham gia hoạt động cách mạng của tướng Hoàng Thế Thiện. Từ ngoài vào, bên phải
là “vườn Văn Thi” với những khóm cây xanh mướt, lá chen hoa; bên trái là “hồ
Kim Oanh” (tên phu nhân Hào Kim Oanh) với đàn cá chép tung tăng bơi lội, mang ý
nghĩa: Ông là cây cao, bóng cả; bà là dòng nước trong xanh nép bên ông, tưới
mát cho cây mãi tươi xanh. Sinh thời, tướng Thiện rất yêu thiên nhiên, cây cối.
Kể từ lúc khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, lãnh đạo
nhiều đơn vị quân đội và bộ, ngành cùng chính quyền địa phương, du khách thập phương
đã đến tham quan, dâng hương tưởng niệm cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.
Anh Hoàng Anh Thi, người trực tiếp quản lý nhà lưu
niệm, đã nhiệt tình giới thiệu các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời
hoạt động cách mạng hơn 50 năm và những đóng góp của Thiếu tướng Hoàng Thế
Thiện đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Những người đến thăm
đều đánh giá cao việc tạo lập nhà lưu niệm tại tư gia và mong muốn nơi đây sẽ
trở thành một địa chỉ văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền
thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng cao đẹp, góp
phần định hướng nhân cách, đạo đức và lối sống, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
NGUYỄN MINH NGỌC
Nguồn: https://sknc.qdnd.vn/dia-chi-do/tuong-hoang-the-thien-va-dia-chi-do-tri-an-501770