Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Vượt Trường Sơn thời chống Pháp (Tiếp theo số Xuân Canh Tý)

Khi bắt đầu cuộc hành quân về miền Tây thì đoàn đã gặp “sự cố”. Đoàn vừa đến chân núi Bà Đen bỗng thấy đoàn đi ngược lại dạt vào rừng. Tổ trinh sát của đoàn trên vượt lên kêu tôi đến gặp đồng chí Trần Văn Trà. Được gặp mặt một con người “bạch diện thư sinh” lại là Phó tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân liên khu miền Đông, vị chỉ huy một chiến trường rộng lớn nên tôi vừa kính phục vừa lo. Tôi còn thấy một chị đang nhai trầu bỏm bẻm, sau mới biết chị là Hồ Thị Bi được mệnh danh “Nữ kiệt miền Đông”. Tư lệnh Trần Văn Trà chỉ nhắc nhở đoàn chúng tôi mặc quần áo màu vàng giống màu quần áo kaki của bọn Commandos (biệt kích), phải cử tổ đi trước báo cho các đoàn đi ngược lại, tránh bắn nhầm nhau.

Vừa xuống đến Đồng Tháp Mười, một con trâu mộng xông tới húc vào Tuấn, rất may ba lô của Tuấn đầy quần áo, lại thêm cái nồi nấu cơm cột bên ngoài nên chỉ thủng nồi và ba lô, Tuấn không hề hấn gì. Một ông già Nam Bộ cho biết, trâu ở đây rất ghét bọn Tây đi càn hay bắn chết đồng bào nên thấy màu vàng là nó húc. Bị luôn hai cú, vừa đến nơi đóng quân, không chờ lệnh, tất cả đều nhúng những bộ quần áo vải xi-ta màu vàng (do Liên khu 5 cấp) xuống dưới bùn thành màu tro. Đóng quân ở gò Xa Rày thuộc tỉnh Long Châu Sa (một phần đất của 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc), chuẩn bị vượt sông Tiền qua miền Tây Nam Bộ. Gặp mùa nước nổi, sông Tiền rất rộng, hai bờ nước cũng ngập sâu, đi lại chỉ bằng xuồng ghe. Địch dùng tàu chiến kiểm soát con sông rất chặt. Cán bộ và nhân dân mỗi lần qua rất nguy hiểm nên gọi là “sông bạc đầu” (qua được sông là đầu sẽ bạc). Đoàn phải nằm lại chờ thời cơ.

Địch càn vào gò, đoàn di chuyển sang một nơi khác. Giặc Pháp bắn một loạt vào đám lục bình lớn chủ nhà và đồng bào đang “chém vè” tránh địch, chủ nhà bị trúng đạn. Sau cuộc càn anh em rất thương tiếc chủ nhà bị giặc giết hại, cùng gia đình lo chôn cất chu đáo. Thạc bị lạc đoàn, không biết bơi, lội ra được một quãng nước sâu phải lấy cái mũ bằng tre đặt dưới chân, nấp trong một đám lục bình nhỏ, mặt phải ngửa lên trời chịu nắng nhưng lại được an toàn.

Trong lúc toàn đoàn đi vắng, ở nhà Hiệu lấy xuồng, chưa quen chống sào, ra được một đoạn lăn tòm xuống nước, Hiệu cũng không biết bơi đang chới với, Thạc còn ở nhà  nhưng cũng không biết bơi, vớ được cây sào chìa ra cho Hiệu ôm kéo vào bờ, thoát chết.

Tình hình bớt căng, đoàn chia làm hai, tôi phụ trách nửa đoàn vượt sông về Phân Liên khu miền Tây, Hiệu đưa nửa đoàn qua chiến trường Campuchia.

Đoàn tôi về miền Tây được cấp chiếc ghe lớn nhưng không ai biết chèo, tôi cũng chỉ chèo được xuồng nhỏ. May có hàng binh đi nhờ rất thạo sông nước đảm nhận chèo lái, còn mọi người cầm một cái dằm giống như ghe đua. Trạm trưởng liên lạc dẫn nhiều đoàn cùng đi một chuyến. Ra gần đến bờ sông Tiền, thấy trước mũi một chiếc xuồng 4 chèo (chở cán bộ cao cấp) để một ruột xe hơi bơm căng yêu cầu cho xì hơi để giữ bí mật. Trong xuồng có tiếng nói vọng ra “Bí mật là bật mí hả? Không xì gì cả!”. Tôi nghe  anh trạm trưởng nói “cho vượt mấy cái trấp”, tôi cũng chẳng biết “trấp” là cái gì. Vượt sông không khác một cuộc đua ghe. Gần 20 anh em tay cầm dằm đồng nhịp đẩy chiếc ghe đi băng băng như ghe máy. Qua đến bờ bên kia cả đoàn nhẹ nhõm vì không gặp tàu tuần tiễu của địch.  Đến một đoạn có đám cỏ và bùn nhão phập phều trên mặt nước, anh hàng binh la lớn ráng bơi qua trấp, tất cả đều tập trung đẩy mạnh vượt qua mấy chục mét. Đến địa phận thuộc tỉnh Long Châu Hà (An Giang) trạm trưởng hỏi đoàn của tôi có đi chung với “ông cao cấp” nữa không. Tôi nói không, trạm trưởng nói thật tội nghiệp cho các anh cực khổ, thôi cho các anh chiếc ghe để đi tiếp.

Từ Long Châu Hà về Phân Liên khu miền Tây không còn đi chiếc ghe lớn mà được cấp xuồng ba lá 3-4 người một chiếc để dễ vác xuồng băng qua lộ Cái Sắn (từ Cần Thơ về Rạch Giá).

Về đến Bộ Tư lệnh chúng tôi được chiêu đãi một bữa trước khi đi nhận nhiệm vụ ở các đơn vị và địa phương. Trong buổi liên hoan, một bác nông dân đứng lên định phát biểu, tôi kéo tay bác với ý định để Tư lệnh phát biểu trước. Tư lệnh Dương Quốc Chính bảo tôi, tiệc liên hoan là do đồng bào đãi, nên các đồng chí phải để đồng bào  phát biểu trước. Ông còn nhắc chúng tôi “nhập gia tùy tục”, phải chan hòa với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ địa phương. Trưởng phòng Chính trị Phân liên khu Hoàng Thế Thiện cho biết đã bố trí tôi về Tiểu  đoàn 307, đơn vị chủ lực của Nam Bộ nhưng anh Hai Khiết  ở Long Châu Hà xin tôi về tỉnh thì tôi tính sao. Khi tạm dừng ở Long Châu Hà qua tiếp xúc tôi rất mến anh Hai, tôi nhận lời về chiến trường Long Châu Hà, tuy biết trước đây là nơi gian khổ nhất miền Tây Nam Bộ.

Giữa năm 1954, tôi được phân công phụ trách đoàn cán bộ, chiến sĩ Long Châu Hà xuống dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Tây Nam Bộ. Đang tiến hành Đại hội, Trưởng phòng Chính trị Phân Liên khu Hoàng Thế Thiện báo tin Chính phủ ta với Chính phủ Pháp đã ký kết hiệp định Genève, hết chiến tranh anh em sẽ được nghỉ ngơi. Đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục liền đứng lên giải thích ý nghĩa Hiệp định, kháng chiến chống Pháp đã chấm dứt nhưng ta còn phải tiếp tục đấu tranh, còn nhiều việc phải làm. Tôi cùng đoàn dự Đại hội tức tốc chèo xuồng từ Bạc Liêu trở về Long Châu Hà, chuẩn bị tập kết ra miền Bắc.

Nguyễn Viết Tá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét