Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Xuân Lộc (21-4-1975 - 21-4-2020): Chiến dịch Xuân Lộc - điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch

Từ ngày 9 đến 21-4-1975, ta mở chiến dịch Xuân Lộc. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sĩ tử thủ. Tuy nhiên, sau khi tấn công không hiệu quả, ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại. 

Mưu kế được thể hiện cụ thể trong ý định, chủ trương, kế hoạch tác chiến và trong toàn bộ quá trình lập thế trận, điều khiển thế trận. Thế trận sâu hiểm phản ánh mưu cao, kế giỏi. Muốn đạt tới mưu cao, kế giỏi trong chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, phải trải qua sự nghiên cứu tổng hợp về địch, ta, địa hình và hình thái bố trí của hai bên trên chiến trường; có kết luận đúng về chỗ mạnh, chỗ yếu, về âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động và phương thức tác chiến của địch. Trên cơ sở đó mà lập mưu kế tiêu diệt, đánh bại địch. Ở Chiến dịch Xuân Lộc, tại thời điểm đầu ta chưa xác định đúng thực lực của địch cả về lực lượng, tinh thần chiến đấu nên không thực hiện ý định. Nhưng sau đó, do kịp thời nhận định tình hình nên ta đã chuyển hướng, khiến địch bị bất ngờ và phải tự rút bỏ Xuân Lộc. 

Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc là phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tại đây, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là Sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của Sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Các vị trí phòng thủ được tăng cường thêm mìn, hàng rào dây thép gai, vật chướng ngại chống tăng, kết hợp với hệ thống đồn bốt bảo an, dân vệ chăng ra thành một mạng lưới dày đặc, hòng buộc quân ta phải lùi dần từng bước, khi tới ven đô thì kiệt sức.

Để đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, ta tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan. Một sư đoàn khác bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng, tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm - Dầu Giây, đường 20. Để thực hiện mục tiêu này, ta sử dụng lực lượng Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Khu 7 do đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh cùng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy tiến công Xuân Lộc. 

Sáng 9-4, từ các hướng đã xác định, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch nhưng bị địch phản kích mãnh liệt, khiến cuộc chiến trở nên hết sức quyết liệt. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc phản kích của địch. Địch tăng cường lực lượng cho Xuân Lộc. Ngày 12-4, địch đổ lữ đoàn 1 dù xuống ngã ba Tân Phong. Tiếp đó, địch điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bàu Cá, chiến đoàn 315 ở Bàu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bàu Cá. Tính ra, địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lựợng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương một sư đoàn. Không quân địch ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc/ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch sử dụng cả bom CBU55 mà Mỹ vừa cung cấp trong thời gian tướng Wayend sang Sài Gòn để ngăn chặn ta.

Qua năm ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều. 

Từ nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên; đánh chiếm Tân Phong, cắt đường 2 đi Bà Rịa. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt Chiến đoàn 52 địch, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai trên dải ở phía bắc chi khu Tân Phong chặn đánh Lữ đoàn 1 dù không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với Chiến đoàn 43 trong thị xã. 

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Rạng sáng ngày 15-4, pháo chiến dịch bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường 1 đoạn Xuân Lộc - Bàu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng - ngã ba Dầu Giây.

Trong hai ngày 16 và 17-4, Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Giây. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B chặn đánh địch quyết liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi quân địch xuống Bàu Cá. 

Trước nguy cơ Xuân Lộc mất giá trị phòng thủ vì mất Dầu Giây và do bị bất ngờ về mưu kế chuyển đổi thế trận của ta, địch đã tổ chức rút lui. Đề nghi binh cho hành động này, địch bắn pháo vào trận địa của ta. Lúc 17 giờ, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và Sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom; Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Sư đoàn 341 tiến đánh vào thị xã rồi phát triển theo đường Sở cao su Ông Quế, Sư đoàn 7 đánh chiếm nam Tân Phong, chặn đường số 2, Sư đoàn 6 tổ chức chặn địch ở Sở cao su Ông Quế, các tiểu đoàn địa phương chốt chặn và truy kích địch trên đường 2. Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.

Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52, đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô, giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra.


Trung tá Ths VŨ BÌNH TUYỂN (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)



Tài liệu tham khảo:


1. Sự kiện và những con số lịch sử

2. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc


Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Chiến dịch Xuân Lộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Đầu tháng 4/1975, quân ta mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, mở đường cho quân và dân ta nhanh chóng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa Xuân 1975.

Sau khi chiến dịch giải phóng Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng (tháng 3/1975) của đại quân ta liên tiếp giành thắng lợi giòn giã, Mỹ - ngụy vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai), cách Sài Gòn 60km về phía Đông Bắc, phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tướng Mỹ Uây-len (Weyand), Tham Mưu trưởng Lục quân Mỹ, nói với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy rằng: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Từ nhận định trên, địch tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là Sư đoàn 18, một đơn vị thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của Sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Ngoài ra, địch bố trí thêm 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và 9 tiểu đoàn bảo an. Trong quá trình cố thủ bảo vệ Xuân Lộc, địch chi viện thêm Lữ đoàn dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 thuộc Sư đoàn 5 ngụy, 01 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng..., một mặt cần cơ động nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động”. Ngày 02/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy ở vòng ngoài, cắt giao thông, cô lập và phá âm mưu phòng ngự Sài Gòn từ xa, đồng thời mở đường cho quân ta tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, được phối thuộc Sư đoàn Bộ binh 6, 02 tiểu đoàn xe tăng và 02 tiểu đoàn bộ đội địa phương; đồng chí Hoàng Cầm là Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Hoàng Thế Thiện là Chính ủy Chiến dịch.

Ngày 03/4, tại Sở Chỉ huy ở phía Đông cầu La Ngà, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã họp và đề ra hai phương án tiến công Xuân Lộc:

Phương án 1: Tập trung 02 sư đoàn tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan; 01 sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm – Dầu Giây, Quốc lộ 20;

Phương án 2: Nếu tình huống không có lợi thì tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở bên ngoài, giải phóng hai chi khu Tân Phong và Gia Kiệm, tiêu diệt quân viện trợ của địch tiến tới tiến công dứt điểm Long Khánh và tổ chức đánh địch rút lui.

Trước tình hình chiến sự, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công thị xã Xuân Lộc theo Phương án 1, cụ thể: Sư đoàn 7 tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Đông Thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 5, Chiến đoàn 43, Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, diệt toàn bộ quân địch ở phía Đông Thị xã; Sư đoàn 341 tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Bắc Thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm Ty cảnh sát, Khu cố vấn Mỹ, Dinh Tỉnh trưởng và cùng Sư đoàn 7 phát triển xuống phía Nam; Sư đoàn 6 chia cắt ở Đường 1, đoạn ngã ba Dầu Giây, có nhiệm vụ tiêu diệt các chốt địch từ ấp Hưng Lộc đến đèo Mẹ Bồng Con, đánh viện binh và đánh địch rút chạy. Quân đoàn tổ chức bốn cụm pháo, hai cụm cao xạ chi viện và bảo vệ cho các hướng chiến đấu.

Sáng 09/4/1975, theo kế hoạch, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh. Trong ngày đầu, ta đã chiếm được một phần hai Thị xã, toàn bộ Khu hành chính Tiểu khu, đã đưa được ba tiểu đoàn vào bên trong và thực hiện cắt Đường 1 ở đoạn ngã ba Dầu Giây – đèo Mẹ Bồng Con. Sáng 10/4, ta tiếp tục đột phá Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 18 ngụy, đánh Lữ đoàn dù 1 đổ xuống Tân Phong vừa được chi viện. Địch phải điều thêm 1 liên đoàn biệt động quân và Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn Bộ binh 5...

Qua 05 ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều. Bên cạnh đó, từ nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt Đường 2 đi Bà Rịa. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch, còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động.

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền về “chiến thắng Xuân Lộc” và “khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã phục hồi”.

Rạng sáng 15/4, pháo của ta bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tập kích diệt gọn Trung đoàn 52 ngụy, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Đường 1 đoạn Xuân Lộc – Bầu Cá, Đường 20 đoạn Túc Trưng – ngã ba Dầu Giây. Trong hai ngày 16, 17, ta chặn đánh, đẩy lùi Trung đoàn Thiết giáp 3 và Trung đoàn 8 địch chi viện từ phía Biên Hòa đến. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/4, Sư đoàn 18 ngụy rút chạy, chiều tối ngày 20/4, địch ở Xuân Lộc rút chạy. Do phát hiện và tổ chức tiến công, truy kích địch chậm, mặt khác do trời tối, mưa to nên ta chỉ diệt được một bộ phận đi sau của địch, bắt sống tên Đại tá, Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi.

Kết quả, sau 11 ngày chiến đấu kiên cường, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Chiến dịch, ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh; đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt Trung đoàn 5 và Lữ đoàn Thiết giáp 3; diệt hàng nghìn tên, bắt 2.785 tên địch; thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp và 16 ô tô của địch.

Chiến thắng Xuân Lộc là một trong những điểm nhấn của Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Đó là trận đánh cam go, ác liệt, thể hiện sự mưu trí và sáng tạo của quân ta, đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch và khiến tinh thần chiến đấu của quân ngụy suy sụp nhanh chóng. Thắng lợi này đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, mở ra thế trận mới có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung, Tổng tiến công và nỏi dậy mùa xuân năm 1975, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.

2. TS. Phạm Bá Toàn, Quyết định lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Ba vị tướng Trường Sơn


Ba vị tướng Trường Sơn (từ trái sang phải trong ảnh: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thượng tướng Đinh Đức Thiện, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện).

Trong lịch sử cách mạng nói chung, lịch sử ngành giao thông vận tải, ngành dầu khí nói riêng, Thượng tướng Đinh Đức Thiện là một người có đóng góp rất to lớn. Đặc biệt ông là một lãnh đạo chủ chốt trong việc xây dựng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh - tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Trong số các tướng lĩnh từng là bộ đội Trường Sơn, có hai vị tướng được phong quân hàm cấp tướng khi đang chiến đấu tại Trường Sơn là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Bộ đội Trường Sơn - Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Cả ba vị tướng Trường Sơn đều thụ phong cấp tướng lần đầu trong Đợt thăng và phong quân hàm cấp tướng Quân đội nhân dân Việt Nam cuối cùng (ngày 16-04-1974) trước khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Phố Hoàng Thế Thiện tại Thủ đô Hà Nội được công nhận là tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2020

Đánh giá tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, phường văn minh đô thị trên địa bàn quận Long Biên. Chiều ngày 27/03/2020, tại hội trường Quận ủy, Ban chủ nhiệm Chương trình số 03-CTr/Qu của Quận ủy đã tổ chức hội nghị đánh giá tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, phường văn minh đô thị. 

Đồng chí Nguyễn Văn Liêm - UVBTV, Phó chủ tịch HĐND quận, Phó chủ nhiệm chương trình số 03 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Trình – Phó Chủ tịch UBND quận; các đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Trưởng ban Dân vận, ban Tuyên giáo; Chủ tịch Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Quận Đoàn; Chánh VPQU, VPHĐND & UBND; Phó Trưởng các phòng: Quản lý đô thị, Kinh tế, Y tế, Ban QLDAĐTXD, Trung tâm phát triển quỹ đất, Văn hóa & Thông tin; đồng chí đội phó Công an quận. 

Tại cuộc họp, Lãnh đạo phòng Văn hóa & Thông tin báo cáo kết quả đánh giá các tiêu chí đối với 02 phường Bồ Đề và Ngọc Lâm và đề xuất đạt chuẩn văn minh đô thị đối với 2 phường nêu trên. Lãnh đạo phòng Quản lý đô thị báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quận Long Biên năm 2020 đề nghị Ban chủ nhiệm Ctr/03 công nhận 30 tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2020 (Bao gồm 23 tuyến đăng ký năm 2019, 07 tuyến đăng ký năm 2019 – 2020: Phố Ngô Gia Khảm, phố Long Biên 1, phố Hồng Tiến, đường Chu Huy Mân, đường Lưu Khánh Đàm, đường Phúc Lợi, phố Việt Hưng, phố Sài Đồng, phố Hoàng Thế Thiện, phố Gia Thụy, phố Long Biên 2, đường Nam Đuống, phố Đặng Vũ Hỷ, đường Mai Chí Thọ, đường Đoàn Khuê, đường Trần Danh Tuyên, đường Đàm Quang Trung, phố Phan Văn Đáng, đường Vạn Hạnh, phố Kim Quan Thượng, phố Nguyễn Lam, phố Vũ Đức Thận, Đào Văn Tập, Đinh Đức Thiện, Bùi Thiện Ngộ, Nguyễn Văn Ninh, Ngô Huy Quỳnh, Ngô Viết Thụ, Gia Thượng) trong đó tuyến đường Lý Sơn cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên không để phát sinh; bên cạnh đó, 09 tuyến đã được công nhận năm 2018 và các tuyến không đạt chuẩn văn minh đô thị: 04 tuyến (Phố Tư Đình – phường Long Biên, phố Huỳnh Tấn Phát – phường Thạch Bàn, đường Cổ Linh – phường Long Biên, phố Trần Văn Trà – phường Đức Giang, Việt Hưng). 

Sau khi nghe báo cáo của 02 đơn vị; Lãnh đạo UBND quận, lãnh đạo đơn vị các phòng ban, ngành đều thống nhất với nội dung đề xuất của cơ quan thường trực về việc công nhận 02 phường Bồ Đề, phường Ngọc Lâm đạt chuẩn văn minh đô thị; công nhận 30 tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2020 (Bao gồm 23 tuyến đăng ký năm 2019, 07 tuyến đăng ký năm 2019 – 2020) và các tuyến không đạt chuẩn văn minh đô thị: 03 tuyến. 

Sau khi nghe ý kiến thảo luận và đề xuất của các đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Liêm kết luận: 

1. Thống nhất với nội dung công nhận 02 phường Bồ Đề, phường Ngọc Lâm đạt chuẩn văn minh đô thị; công nhận 30 tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2020 (Bao gồm 23 tuyến đăng ký năm 2019, 07 tuyến đăng ký năm 2019 – 2020, riêng tuyến đường Lý Sơn cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên không để phát sinh) và 04 các tuyến không đạt chuẩn văn minh đô thị (Phố Tư Đình – phường Long Biên, phố Huỳnh Tấn Phát – phường Thạch Bàn, đường Cổ Linh – phường Long Biên, phố Trần Văn Trà – phường Đức Giang, Việt Hưng). 

2. Yêu cầu UBND các phường ký Quy chế phối hợp đối với các tuyến phố, tuyến đường nằm trên địa bàn 2 phường trở lên như: Ngô Gia Khảm, Nguyễn Sơn, Việt Hưng, Cổ Linh, Sài Đồng, Phúc Lợi, Hoàng Thế Thiện, Lý Sơn. 

3. Bổ sung thêm lịch khảo sát, kiểm tra, giám sát phường Văn minh đô thị, tuyến đường tuyến phố văn minh đô thị của HĐND quận. 

4. Trung tâm phát triển quỹ đất tham mưu Ban chủ nhiệm hướng dẫn quản lý cây xanh, vườn hoa, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận. 

Nguyễn Thế Tuấn

Tướng Hoàng Thế Thiện và địa chỉ đỏ tri ân

Đầu năm 2005, khi về làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tôi gặp Hoàng Anh Thi, con trai Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, đến cơ quan theo dõi in cuốn sách “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện”.

Là người có 30 năm gắn bó với không quân, danh tiếng của vị tướng nhắc tôi nhớ tới sự ngưỡng mộ và ân tình sâu đậm của nhiều thế hệ cán bộ, phi công, thợ máy… đối với vị Chính ủy Ban Nghiên cứu sân bay (1956-1959), Chính ủy Cục Không quân.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (Lưu Văn Thi) sinh năm 1922 tại Hải Phòng, quê gốc ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tham gia cách mạng từ năm 1940, ông 3 lần Nam tiến (năm 1949, 1964, 1975). Quãng đời hoạt động của ông gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của một số đơn vị chủ lực ở Nam Bộ, từ trung đoàn đến quân đoàn, quân khu. Ông có mặt ở hầu khắp các chiến trường, từ miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn, trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và những năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia... Ông đảm nhiệm nhiều trọng trách, như: Chính ủy Bộ đội Trường Sơn; Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 4; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế-Bí thư Đảng ủy Tổng cục; Trưởng ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia Việt Nam, Phó tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia... Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hoàn thành trọng trách của một vị tướng, ông giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa II), Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch danh dự đầu tiên Làng trẻ em SOS Việt Nam. Ông mất ngày 5-9-1995 tại TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, khi hay tin đã có nơi lưu niệm về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, thú thực, tôi rất xúc động. Một chiều mưa, tôi tìm đến ngôi nhà ở số 2/47 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Xuất phát từ việc hằng năm các đoàn cựu chiến binh, rồi khách trong Nam, ngoài Bắc vẫn tới thăm và dâng hương cụ Thiện, anh Thi nảy ra ý tưởng cải tạo phòng khách của gia đình thành phòng lưu niệm thân phụ.

Với sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Ban liên lạc truyền thống CCB Quân đoàn 4 và một số tổ chức, cá nhân nhiệt tâm, sau một thời gian tích cực triển khai, nhà lưu niệm tướng Hoàng Thế Thiện được khánh thành trong niềm xúc động của gia đình, đồng đội.

Vỏn vẹn trong 20 thước vuông ấm cúng, ở vị trí trang trọng của phòng tưởng niệm là bàn thờ và tượng đồng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, phía trên là cờ Tổ quốc. Hai bên là tiểu sử của ông và bảng vàng ghi lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi tướng Thiện qua đời. Có hơn 100 bức ảnh và gần 300 hiện vật gồm đồ dùng, đồ lưu niệm, giấy tờ, tài liệu, huân, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu… Trên giá là khoảng 100 cuốn sách và gần 100 bài báo có liên quan. Đáng chú ý là chiếc xe đạp nội địa cũ, kỷ vật gắn bó với ông những năm trở về với đời thường.

Không gian trưng bày khái quát cuộc đời hơn 50 năm hoạt động cách mạng của vị tướng xông pha trận mạc, một chính khách tài năng và đức độ. Cách bài trí vừa trang nghiêm, giản dị lại vừa giàu sức gợi mở. Từng mảng trưng bày dẫn dắt người xem đi từ Hải Phòng, nơi gắn bó với tuổi thanh xuân của vị tướng và chặng đường tham gia cách mạng, làm nghĩa vụ quốc tế. Hình ảnh Bác Hồ thăm và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Cục Không quân; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội với tướng Hoàng Thế Thiện…

Nổi bật phía trước phòng tưởng niệm là “vách Trường Sơn”, gợi nhớ về tuyến lửa hào hùng, nơi ông tham gia chiến đấu, mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (tháng 7-1970 đến tháng 1-1975). Dễ gì quên được hình ảnh vị tướng mặc quân phục Quân Giải phóng giản dị, đội mũ tai bèo, nở nụ cười hào sảng, lạc quan, phía sau là hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau ra trận. Ở mảng này có bài thơ của Đại tá Hoàng Ngọc Giao-một chiến sĩ Trường Sơn viết viếng ông. Có thể nói, ông là vị tướng vượt Đường Hồ Chí Minh trên biển để mở Đường Hồ Chí Minh trên bộ và là vị tướng vừa tham gia mở đường chi viện cho miền Nam, vừa tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên vách phòng tưởng niệm có treo đôi câu đối nói về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cung tiến:

“Tâm đức thiện, chí khí cao, cả đời vì dân, vì nước
Chính trị tài, quân sự giỏi, sự nghiệp lưu mãi sử xanh”

(Trong câu đối có chữ “Thiện” là tên ông, chữ “Lưu” là họ khai sinh của ông).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Tá Nhí cung đề:

“Nghĩa thắm tình thay, từ trận mạc Thái Nguyên đến chiến trường Xuân Lộc, thân dân tư đạo thọ sơn hà
Công to lớn lắm, khi ăn cơm đất Bắc, lúc đánh giặc phương Nam, ái quốc thử tâm huyền nhật nguyệt”.

Anh Thi giới thiệu về khoảnh sân phía trước, bước qua cổng nhỏ có tên “ngõ Mai Viên”, gợi nhớ về đất cảng Hải Phòng, nơi sinh trưởng và tham gia hoạt động cách mạng của tướng Hoàng Thế Thiện. Từ ngoài vào, bên phải là “vườn Văn Thi” với những khóm cây xanh mướt, lá chen hoa; bên trái là “hồ Kim Oanh” (tên phu nhân Hào Kim Oanh) với đàn cá chép tung tăng bơi lội, mang ý nghĩa: Ông là cây cao, bóng cả; bà là dòng nước trong xanh nép bên ông, tưới mát cho cây mãi tươi xanh. Sinh thời, tướng Thiện rất yêu thiên nhiên, cây cối.

Kể từ lúc khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, lãnh đạo nhiều đơn vị quân đội và bộ, ngành cùng chính quyền địa phương, du khách thập phương đã đến tham quan, dâng hương tưởng niệm cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Anh Hoàng Anh Thi, người trực tiếp quản lý nhà lưu niệm, đã nhiệt tình giới thiệu các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 50 năm và những đóng góp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Những người đến thăm đều đánh giá cao việc tạo lập nhà lưu niệm tại tư gia và mong muốn nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng cao đẹp, góp phần định hướng nhân cách, đạo đức và lối sống, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

NGUYỄN MINH NGỌC

Nguồn: https://sknc.qdnd.vn/dia-chi-do/tuong-hoang-the-thien-va-dia-chi-do-tri-an-501770

Đến Tây Nguyên, tưởng nhớ tướng Hoàng Thế Thiện

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 (19-8-1949 - 19-8-2019) và 60 năm mở đường Trường Sơn (1959-2019), Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174 tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa tri ân đồng đội. 

Chúng tôi “hành quân” về chiến trường cũ Đắc Tô - Tân Cảnh để liên hệ với địa phương xây dựng bia tưởng niệm gần 200 liệt sĩ của trung đoàn đã hy sinh tại đây, khi chạm trán với lữ dù khét tiếng 173 của Mỹ trên điểm cao 875 cuối năm 1967. Tôi nhớ đến tướng Hoàng Thế Thiện.

Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên và những đám mây trắng lang thang trên bầu trời xanh lam quyến rũ, tôi như thấy gương mặt vị tướng họ Hoàng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 1, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn... hiển hiện. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ: “Thăm lại Tây Nguyên” của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện viết ngày 1-1-1972, khi ông được giao làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn: Khi xưa là lính Bê Ba/Nay người truyền tải hàng ra chiến trường.../Mấy lời gửi bạn tiền phương/Hẹn ngày thắng lợi lên đường gặp nhau...

Trở lại chiến trường xưa, chúng tôi không gặp lại vị tướng chính ủy. Nhưng hơi ấm bàn tay và dấu chân ông như vẫn còn đâu đây. Tôi vẫn như thấy ánh nhìn ấm áp và nụ cười thân thiện của tướng Hoàng Thế Thiện. Ông mỉm cười khích lệ, động viên chúng tôi tiếp tục làm những việc nghĩa tình, tri ân đồng đội, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Kể từ ngày có Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở quận Tân Bình (TPHCM), năm nào đến ngày giỗ cụ, tôi cũng được gia đình mời dự. Và cách đây hơn 40 năm, trong một chuyến tháp tùng cụ đi công tác (Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế) đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt.

Ấy là dịp cụ đến thăm cơ sở khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng của Quân khu 7 tại một căn cứ kháng chiến cũ trên đất miền Đông Nam bộ. Sáng sớm ấy, đến nhà khách “đối ngoại” của Quân khu 7, tôi gặp một vị tướng dáng cao, khuôn mặt hồng hào, mái tóc hoa râm và đặc biệt nụ cười thật thân thiện, gần gụi. Biết tôi là phóng viên được cử đi công tác cùng đoàn, tướng Thiện nói: “Nếu nhà báo không ngại thì lên xe đi cùng tôi”.

Tôi ngại thật. Không dám. Đang phân vân thì Phó Tư lệnh Quân khu 7 - Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa (thường gọi là ông Hai Hồng Lâm) - nói ngay: “Thủ trưởng cho phép thì nhà báo đi cùng xe với thủ trưởng nhé?”. Thế là chuyến công tác ấy, tôi có may mắn được tháp tùng vị tướng mà cánh báo chí chúng tôi đã từng nghe và không phải ai cũng có cơ hội được diện kiến.

Tướng Hoàng Thế Thiện hỏi thăm gia đình và công việc của tôi. Tôi báo cáo với cụ, trước khi về làm báo, tôi là lính chiến thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 5. Nghe thế, giọng Thiếu tướng trầm ấm: “Lính Công trường 5 chống Mỹ hả. Tớ cũng ở miền Đông với Sư 5 đấy”. Cụ gần gũi, thân mật mà nói thế. Với tôi, khi được giao nhiệm vụ tháp tùng cụ, tôi đã tìm hiểu về vị tướng trận mà cán bộ, chiến sĩ toàn quân hầu như ai cũng biết danh.

Gốc quê ở Hà Nam, nhưng tướng Hoàng Thế Thiện sinh ra và trưởng thành từ đất cảng Hải Phòng. Trước năm 1945, ông đã tham gia cách mạng, vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bị địch bắt. Vượt ngục, tháng 8-1945, ông là một trong những cán bộ chủ chốt lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thái Nguyên. Năm 1947, ông vào quân đội. Gần nửa thế kỷ làm người lính bộ đội Cụ Hồ, bàn chân ông in đậm trên mọi nẻo đường đất nước. Trong đó phải kể đến những dấu mốc quan trọng như: Chính ủy Trung đoàn Sông Lô (1948), Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương tăng cường cho Nam bộ (1949), Chính ủy Trung đoàn Tây Đô (1950), Chính ủy Cục Không quân (1959), Chính ủy Sư đoàn 1 (1966), Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1973), chính ủy đầu tiên Quân đoàn 4 (2-1975), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế (1977), Trưởng ban B68 Trung ương đặc trách giúp cách mạng Campuchia (1978), Phó Tư lệnh chính trị (Chính ủy) Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (1979), Thứ trưởng thứ nhất Bộ LĐTB-XH (1982)...

Được tháp tùng một vị tướng lừng danh như thế, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Biết tôi vẫn “đơn chiếc”, tướng Thiện đùa vui: “Tớ mà còn con gái nữa sẽ gả cho cậu - cánh nhà báo quân đội năng động lắm”. Mặt tôi đỏ lên vì xúc động. Chuyến công tác ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Tôi cố gắng quan sát, ghi chép từng khoảnh khắc hoạt động của vị tướng lừng danh mà tôi hằng kính trọng. Tôi không thể ngờ rằng, vị tướng đã xông pha trận mạc ấy lại am hiểu về kinh tế đến thế. Kết thúc chuyến công tác, kỹ sư Thung - một trong những người chủ trì dự án vật liệu xây dựng - nói với tôi: “Cụ (tướng Thiện) hiểu biết nhiều về kỹ thuật. Cụ góp ý, chỉ đạo thật trúng, thật quý”.

Năm 2008 về công tác tại Báo SGGP, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959-2009), chúng tôi tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Đợt hoạt động này, không chỉ viết bài giới thiệu Trường Sơn hôm qua và hôm nay mà còn lập quỹ để xây dựng các công trình tình nghĩa, tri ân đồng đội và góp phần chia sẻ, chăm lo cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn đang gặp khó khăn. Trở lại Trường Sơn, nơi in dấu chân mình và đồng đội, tôi được nghe kể nhiều về các tướng lĩnh lừng danh của Trường Sơn, trong đó có Chính ủy Hoàng Thế Thiện.

Lại nữa, khi nghỉ hưu, tham gia Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng), tôi được biết, cuối năm 1967, trên đường vào Nam bộ, Trung đoàn 174 của chúng tôi đã bổ sung vào Sư đoàn 1 do ông Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy đánh trận Đắc Tô - Tân Cảnh. Vậy là vị tướng lừng danh họ Hoàng này không còn xa lạ mà chính là thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi. Tướng Hoàng Thế Thiện xứng danh vị tướng chính ủy mà nhân dân và bộ đội tôn vinh. Các thành phố lớn TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... đã có đường phố mang tên Hoàng Thế Thiện. Nên chăng các địa phương dọc dãy Trường Sơn huyền thoại cũng có công trình văn hóa - kinh tế nào đó mang trên vị tướng chính ủy này!

TRẦN THẾ TUYỂN

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/den-tay-nguyen-tuong-nho-tuong-hoang-the-thien-597395.html 

Vượt Trường Sơn thời chống Pháp (Tiếp theo số Xuân Canh Tý)

Khi bắt đầu cuộc hành quân về miền Tây thì đoàn đã gặp “sự cố”. Đoàn vừa đến chân núi Bà Đen bỗng thấy đoàn đi ngược lại dạt vào rừng. Tổ trinh sát của đoàn trên vượt lên kêu tôi đến gặp đồng chí Trần Văn Trà. Được gặp mặt một con người “bạch diện thư sinh” lại là Phó tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân liên khu miền Đông, vị chỉ huy một chiến trường rộng lớn nên tôi vừa kính phục vừa lo. Tôi còn thấy một chị đang nhai trầu bỏm bẻm, sau mới biết chị là Hồ Thị Bi được mệnh danh “Nữ kiệt miền Đông”. Tư lệnh Trần Văn Trà chỉ nhắc nhở đoàn chúng tôi mặc quần áo màu vàng giống màu quần áo kaki của bọn Commandos (biệt kích), phải cử tổ đi trước báo cho các đoàn đi ngược lại, tránh bắn nhầm nhau.

Vừa xuống đến Đồng Tháp Mười, một con trâu mộng xông tới húc vào Tuấn, rất may ba lô của Tuấn đầy quần áo, lại thêm cái nồi nấu cơm cột bên ngoài nên chỉ thủng nồi và ba lô, Tuấn không hề hấn gì. Một ông già Nam Bộ cho biết, trâu ở đây rất ghét bọn Tây đi càn hay bắn chết đồng bào nên thấy màu vàng là nó húc. Bị luôn hai cú, vừa đến nơi đóng quân, không chờ lệnh, tất cả đều nhúng những bộ quần áo vải xi-ta màu vàng (do Liên khu 5 cấp) xuống dưới bùn thành màu tro. Đóng quân ở gò Xa Rày thuộc tỉnh Long Châu Sa (một phần đất của 3 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc), chuẩn bị vượt sông Tiền qua miền Tây Nam Bộ. Gặp mùa nước nổi, sông Tiền rất rộng, hai bờ nước cũng ngập sâu, đi lại chỉ bằng xuồng ghe. Địch dùng tàu chiến kiểm soát con sông rất chặt. Cán bộ và nhân dân mỗi lần qua rất nguy hiểm nên gọi là “sông bạc đầu” (qua được sông là đầu sẽ bạc). Đoàn phải nằm lại chờ thời cơ.

Địch càn vào gò, đoàn di chuyển sang một nơi khác. Giặc Pháp bắn một loạt vào đám lục bình lớn chủ nhà và đồng bào đang “chém vè” tránh địch, chủ nhà bị trúng đạn. Sau cuộc càn anh em rất thương tiếc chủ nhà bị giặc giết hại, cùng gia đình lo chôn cất chu đáo. Thạc bị lạc đoàn, không biết bơi, lội ra được một quãng nước sâu phải lấy cái mũ bằng tre đặt dưới chân, nấp trong một đám lục bình nhỏ, mặt phải ngửa lên trời chịu nắng nhưng lại được an toàn.

Trong lúc toàn đoàn đi vắng, ở nhà Hiệu lấy xuồng, chưa quen chống sào, ra được một đoạn lăn tòm xuống nước, Hiệu cũng không biết bơi đang chới với, Thạc còn ở nhà  nhưng cũng không biết bơi, vớ được cây sào chìa ra cho Hiệu ôm kéo vào bờ, thoát chết.

Tình hình bớt căng, đoàn chia làm hai, tôi phụ trách nửa đoàn vượt sông về Phân Liên khu miền Tây, Hiệu đưa nửa đoàn qua chiến trường Campuchia.

Đoàn tôi về miền Tây được cấp chiếc ghe lớn nhưng không ai biết chèo, tôi cũng chỉ chèo được xuồng nhỏ. May có hàng binh đi nhờ rất thạo sông nước đảm nhận chèo lái, còn mọi người cầm một cái dằm giống như ghe đua. Trạm trưởng liên lạc dẫn nhiều đoàn cùng đi một chuyến. Ra gần đến bờ sông Tiền, thấy trước mũi một chiếc xuồng 4 chèo (chở cán bộ cao cấp) để một ruột xe hơi bơm căng yêu cầu cho xì hơi để giữ bí mật. Trong xuồng có tiếng nói vọng ra “Bí mật là bật mí hả? Không xì gì cả!”. Tôi nghe  anh trạm trưởng nói “cho vượt mấy cái trấp”, tôi cũng chẳng biết “trấp” là cái gì. Vượt sông không khác một cuộc đua ghe. Gần 20 anh em tay cầm dằm đồng nhịp đẩy chiếc ghe đi băng băng như ghe máy. Qua đến bờ bên kia cả đoàn nhẹ nhõm vì không gặp tàu tuần tiễu của địch.  Đến một đoạn có đám cỏ và bùn nhão phập phều trên mặt nước, anh hàng binh la lớn ráng bơi qua trấp, tất cả đều tập trung đẩy mạnh vượt qua mấy chục mét. Đến địa phận thuộc tỉnh Long Châu Hà (An Giang) trạm trưởng hỏi đoàn của tôi có đi chung với “ông cao cấp” nữa không. Tôi nói không, trạm trưởng nói thật tội nghiệp cho các anh cực khổ, thôi cho các anh chiếc ghe để đi tiếp.

Từ Long Châu Hà về Phân Liên khu miền Tây không còn đi chiếc ghe lớn mà được cấp xuồng ba lá 3-4 người một chiếc để dễ vác xuồng băng qua lộ Cái Sắn (từ Cần Thơ về Rạch Giá).

Về đến Bộ Tư lệnh chúng tôi được chiêu đãi một bữa trước khi đi nhận nhiệm vụ ở các đơn vị và địa phương. Trong buổi liên hoan, một bác nông dân đứng lên định phát biểu, tôi kéo tay bác với ý định để Tư lệnh phát biểu trước. Tư lệnh Dương Quốc Chính bảo tôi, tiệc liên hoan là do đồng bào đãi, nên các đồng chí phải để đồng bào  phát biểu trước. Ông còn nhắc chúng tôi “nhập gia tùy tục”, phải chan hòa với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ địa phương. Trưởng phòng Chính trị Phân liên khu Hoàng Thế Thiện cho biết đã bố trí tôi về Tiểu  đoàn 307, đơn vị chủ lực của Nam Bộ nhưng anh Hai Khiết  ở Long Châu Hà xin tôi về tỉnh thì tôi tính sao. Khi tạm dừng ở Long Châu Hà qua tiếp xúc tôi rất mến anh Hai, tôi nhận lời về chiến trường Long Châu Hà, tuy biết trước đây là nơi gian khổ nhất miền Tây Nam Bộ.

Giữa năm 1954, tôi được phân công phụ trách đoàn cán bộ, chiến sĩ Long Châu Hà xuống dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Tây Nam Bộ. Đang tiến hành Đại hội, Trưởng phòng Chính trị Phân Liên khu Hoàng Thế Thiện báo tin Chính phủ ta với Chính phủ Pháp đã ký kết hiệp định Genève, hết chiến tranh anh em sẽ được nghỉ ngơi. Đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục liền đứng lên giải thích ý nghĩa Hiệp định, kháng chiến chống Pháp đã chấm dứt nhưng ta còn phải tiếp tục đấu tranh, còn nhiều việc phải làm. Tôi cùng đoàn dự Đại hội tức tốc chèo xuồng từ Bạc Liêu trở về Long Châu Hà, chuẩn bị tập kết ra miền Bắc.

Nguyễn Viết Tá