Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Chiến dịch Xuân Lộc - điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch

Từ ngày 9 đến 16-4-1975, ta mở chiến dịch Xuân Lộc. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sĩ tử thủ. Tuy nhiên, sau khi tấn công không hiệu quả, ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại.

Mưu kế được thể hiện cụ thể trong ý định, chủ trương, kế hoạch tác chiến và trong toàn bộ quá trình lập thế trận, điều khiển thế trận. Thế trận sâu hiểm phản ánh mưu cao, kế giỏi. Muốn đạt tới mưu cao, kế giỏi trong chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, phải trải qua sự nghiên cứu tổng hợp về địch, ta, địa hình và hình thái bố trí của hai bên trên chiến trường; có kết luận đúng về chỗ mạnh, chỗ yếu, về âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động và phương thức tác chiến của địch. Trên cơ sở đó mà lập mưu kế tiêu diệt, đánh bại địch. Ở Chiến dịch Xuân Lộc, tại thời điểm đầu ta chưa xác định đúng thực lực của địch cả về lực lượng, tinh thần chiến đấu nên không thực hiện ý định. Nhưng sau đó, do kịp thời nhận định tình hình nên ta đã chuyển hướng, khiến địch bị bất ngờ và phải tự rút bỏ Xuân Lộc.

Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc là phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tại đây, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là Sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của Sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Các vị trí phòng thủ được tăng cường thêm mìn, hàng rào dây thép gai, vật chướng ngại chống tăng, kết hợp với hệ thống đồn bốt bảo an, dân vệ chăng ra thành một mạng lưới dày đặc, hòng buộc quân ta phải lùi dần từng bước, khi tới ven đô thì kiệt sức.

Để đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, ta tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan. Một sư đoàn khác bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng, tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm - Dầu Giây, đường 20. Để thực hiện mục tiêu này, ta sử dụng lực lượng Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Khu 7 do đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh cùng Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy tiến công Xuân Lộc.

Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4/1975.

Sáng 9-4, từ các hướng đã xác định, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch nhưng bị địch phản kích mãnh liệt, khiến cuộc chiến trở nên hết sức quyết liệt. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc phản kích của địch. Địch tăng cường lực lượng cho Xuân Lộc. Ngày 12-4, địch đổ lữ đoàn 1 dù xuống ngã ba Tân Phong. Tiếp đó, địch điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bàu Cá, chiến đoàn 315 ở Bàu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bàu Cá. Tính ra, địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lựợng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương một sư đoàn. Không quân địch ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc/ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch sử dụng cả bom CBU55 mà Mỹ vừa cung cấp trong thời gian tướng Wayend sang Sài Gòn để ngăn chặn ta.

Qua năm ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều.

Từ nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên; đánh chiếm Tân Phong, cắt đường 2 đi Bà Rịa. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt Chiến đoàn 52 địch, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai trên dải ở phía bắc chi khu Tân Phong chặn đánh Lữ đoàn 1 dù không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với Chiến đoàn 43 trong thị xã.

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Rạng sáng ngày 15-4, pháo chiến dịch bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường 1 đoạn Xuân Lộc - Bàu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng - ngã ba Dầu Giây.

Trong hai ngày 16 và 17-4, Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Giây. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B chặn đánh địch quyết liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122, diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi quân địch xuống Bàu Cá.

Trước nguy cơ Xuân Lộc mất giá trị phòng thủ vì mất Dầu Giây và do bị bất ngờ về mưu kế chuyển đổi thế trận của ta, địch đã tổ chức rút lui. Đề nghi binh cho hành động này, địch bắn pháo vào trận địa của ta. Lúc 17 giờ, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và Sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom; Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Sư đoàn 341 tiến đánh vào thị xã rồi phát triển theo đường Sở cao su Ông Quế, Sư đoàn 7 đánh chiếm nam Tân Phong, chặn đường số 2, Sư đoàn 6 tổ chức chặn địch ở Sở cao su Ông Quế, các tiểu đoàn địa phương chốt chặn và truy kích địch trên đường 2. Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.

Tiếp quản Tiểu khu Long Khánh.

Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52, đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô, giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” phía đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra.

Trung tá Ths VŨ BÌNH TUYỂN (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:
  1. Sự kiện và những con số lịch sử
  2. Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc

Nguồn: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chien-dich-xuan-loc-dien-hinh-ve-nghe-thuat-dung-muu-ke-danh-dich-505875

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét