Từ
1939, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể cung cấp cho ăn học ở Hà
Nội, tôi phải chuyển về học tiếp tại trường trung học Bonnal Hải Phòng.
Lúc
này, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu khủng bố đàn áp mạnh. Đảng đã
chuyển vào hoạt động bí mật, phong trào và tổ chức chính trị xã hội của
quần chúng ở Hải Phòng đang trong tình trạng suy giảm, rời rạc, có nơi
ắng lặng.
Tuy
vậy, tại trường tôi mới tới, đã và vẫn còn nhiều tổ nhóm nhỏ học sinh,
vừa công khai vừa bí mật tự động rủ nhau hoạt động văn hóa, văn nghệ,
cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ. Trong thanh niên học sinh, ý thức dân
tộc, tinh thần yêu nước, dân chủ, bình dân được khuấy động và dâng cao.
Ảnh hưởng rõ nét và mạnh nhất là từ tổ chức Hướng đạo, từ các thầy mô
phạm, đạo đức của trường. Thầy Nguyễn Hữu Tảo, anh tráng sinh Vũ Quý –
lúc đó ít người biết anh là một đảng viên Cộng sản bí mật, cốt cán của
Kiến An, Hải Phòng – là những gương mặt tiêu biểu được giới học sinh ca
tụng, mến phục.
Tôi
với chút kinh nghiệm hoạt động trong Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội, cũng
săn đón tìm kết bạn và nhập bọn. Các tổ nhóm học sinh đều là con em các
gia đình “khá giả” ở Cảng và vùng mỏ, phần lớn là hướng đạo sinh, học
trò ngoan và có tiếng là “học gạo”. Có những học sinh xuất sắc được mọi
người biết như anh Nguyễn Đình Thi…
Sống
với anh chị trong xóm lao động nghèo – ngõ Lý Tiêm đường Lạch Tray, khu
Hạ Lý – tôi lại may mắn quen biết với các anh chị thư ký, thợ thuyền:
anh Lễ và nhiều anh trong Ái hữu nhà máy xi măng phốt phát, xưởng
Ca-rông. Đó là một nguồn quý giá tuồn vào cho nhóm học sinh những tin
tức, tài liệu, sách báo tiến bộ của thời kỳ phong trào Bình dân trước
còn giữ được, nói về cộng sản, xã hội, Liên Xô, Dân chủ, Phát xít…
Những
“của cấm” hiếm hoi này đã được các bạn trẻ háo hức tìm kiếm, truyền tay
nhau đọc, sao chép lại át cả những sách báo hay các tập văn chương lãng
mạn, vốn được các con em gia đình công chức, công thương, trí thức ở
đây say mê, ưa chuộng…
Năm
1940, 1941 Pháp thua trận, Nhật ngang ngược kéo vào chiếm Kiến An, Hải
Phòng, đất nước bị lôi kéo đến ngưỡng cửa và nếm mùi khốc liệt của chiến
tranh. Đói rách gia tăng cùng với những luận điệu giả dối, lạc lõng:
“Da vàng” cứu nhau và lập “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Tình hình
náo động, hỗn loạn, dường như có tiếng ai vang vọng: Việt Nam đâu? Nhục
mất nước bùng lên nhức nhối tim óc. Thanh niên học sinh xôn xao, anh em
nô nức rủ nhau đi tìm Cách mạng. Tin tức nóng bỏng về phong trào giải
phóng cứu nước bùng lên chỗ này, chỗ kia. Những tia chớp lóe lên từ
hướng chiến khu núi rừng xa xôi, từ Hà Nội văn vật. Đúng vào lúc đó Mặt
trận Việt Minh xuất hiện và cũng là lúc chúng tôi may mắn bắt được liên
lạc với tổ chức, mọi người mừng rỡ ùa theo. Sau khi đỗ Thành chung,
chúng tôi lên Hà Nội học tiếp.
Tôi
trở thành ủy viên Ban cán sự Thanh niên Thành Hoàng Diệu (Hà Nội). Cùng
với anh Nguyễn Đình Thi, chúng tôi đã chắp nối được với anh Vũ Quý, anh
Thản… những người đã rời Hải Phòng đi trước. Chúng tôi lại càng siết
chặt mối quan hệ với các anh các chị, được coi là thê đội tiếp theo –
vẫn còn đương tiếp tục học ở Hải Phòng và đã trở thành “chiến sĩ Việt
Minh” rất xông xáo ngay tại trường với những tên quen thuộc: Thi B (tức Hoàng Thế Thiện), Thọ, Thanh…
Chúng
tôi thực sung sướng và cảm thấy hạnh phúc, cũng không ngờ lại thấy đông
đảo anh chị em, kẻ trước người sau mà đã quấn quýt được với nhau như
vậy trong những ngày trọng đại của đất nước.
Đầu
1942, tôi và anh Nguyễn Đình Thi bị mật thám bắt ở Hà Nội. Chúng tôi đã
được cổ vũ mạnh mẽ khi ở trong nhà giam, đã có liên lạc và được tin các
bạn “Bonnalien” (dân Bonnal) ở Hải Phòng vẫn tiếp tục sôi nổi hoạt
động.
Những
học sinh nhỏ bé chúng tôi, vào đầu những năm 40, đã may mắn trở thành
“chiến sĩ Việt Minh” và đã cùng bạn bè xông vào trận chiến đấu lớn của
đất nước, từ mái trường và trong tình thương yêu trân trọng của thầy trò
trường Trung học Bonnal Hải Phòng là như vậy…
Đến
thời kỳ sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 1945, tôi được Trung ương Đảng
và Tổng bộ Việt Minh giao phụ trách Đảng Dân chủ miền Bắc rồi tham gia
Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ nên
lại có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng chí, đồng bào trong phong
trào ở Hải Phòng…
Trong
những ngày mà cả Thành ủy cũng như các tổ chức Việt Minh ở Hải Phòng
gặp khó khăn vì phát xít Nhật tăng cường khủng bố, một số các chiến sĩ
Việt Minh ở Hà Nội, cả Dân chủ đảng và Cứu quốc, đã tranh thủ đảo về
Cảng góp phần giúp cho người thân trong gia đình hay các cơ sở trí thức
học sinh quen biết tạm ngừng hoặc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên
truyền xung phong, bán tín phiếu Việt Minh, tham gia công tác trừ gian…
như anh Văn Cao và một số các anh khác đã làm…
Rồi
đến những ngày đấu tranh quyết liệt, sau khi nhân dân Hà Nội bắt đầu
chuyển mình với cuộc nổi dậy long trời lở đất ngày 17, 18, chúng tôi ở
Hà Nội được ý kiến của Thường vụ Xứ ủy đã quyết định cử ngay đồng chí Vũ
Quốc Uy làm phái viên đặc biệt từ Hà Nội về giúp cho Hải Phòng khởi
nghĩa.
Trước
đó đồng chí Uy mới được Đảng phái sang tăng cường giúp Dân chủ Đảng. Từ
khi đi Hải Phòng anh được phối thuộc vào các đồng chí lãnh đạo địa
phương.
Theo
kể lại, đến ngày 21/8 anh Uy mới tới gặp được các đồng chí lãnh đạo Hải
Phòng trên sông Tam Bạc. Các đồng chí lãnh đạo Việt Minh cho lập ngay
Ủy ban Khởi nghĩa Hải Phòng. Ngày 22/8 thuyết phục Thị trưởng Vũ Trọng
Khánh (vốn đã có cảm tình với Việt Minh (l), và qua Thị trưởng làm trung
gian, Việt Minh đã trực tiếp thương nghị với Chỉ huy quân đội Nhật để
họ không can thiệp vào việc nhân dân tổ chức giành chính quyền. Ngày
23/8, Ủy ban Khởi nghĩa đã cho tập trung hơn chục vạn đồng bào với các
chiến sĩ tự vệ Việt Minh làm nòng cốt, có lực lượng vũ trang chiến khu
Đông Triều và tự vệ Kiến An hỗ trợ, tổ chức mít tinh trọng thể trước Nhà
hát lớn thành phố. Dưới lá cờ đỏ sao vàng quang vinh, sau tiếng hát
Tiến quân ca hùng tráng, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ
chính quyền cũ, lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hải Phòng do đồng
chí Vũ Quốc Uy, đại biểu Việt Minh làm Chủ tịch, sau đó quần chúng tuần
hành và chiếm các công sở…
Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã thắng lợi một cách hết sức nhanh chóng, êm thấm và thực gọn gàng.
Từ
Hà Nội chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào, thấy được sự cổ vũ và hiệp
đồng đấu tranh một cách mạnh mẽ, chặt chẽ và rất kịp thời, vô cùng quý
giá. Đồng thời chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc một điều quan trọng: Nhân
dân Hải Phòng đã anh dũng đứng lên tự giải phóng cho mình và giành lấy
chính quyền. Một biểu hiện rực rỡ của những giá trị lâu dài trong truyền
thống đấu tranh kiên cường của vùng đất có nhiều công nhân và thủy
thủy. Hải Phòng đã theo sát được tinh thần lệnh Tổng khởi nghĩa của
Trung ương và Tổng bộ Việt Minh. Và thật vinh dự – Hải Phòng đã hành
động nhanh chóng kịp thời với sự cổ vũ lớn lao của nhân dân Hà Nộì khởi
nghĩa đang thắng lợi.
Nhưng
Hải Phòng cũng có những cái riêng biệt, khác với nhiều nơi và đã được
thể nghiệm, góp phần mang lại hiệu quả đích đáng. Chẳng hạn như trong
vấn đề đối với người cầm đầu chính quyền bù nhìn thành phố lúc đó (Thị
trưởng Hải Phòng), đối tượng chủ yếu phải đánh đổ khi khởi nghĩa. Nhưng
lãnh đạo Việt Minh Hải Phòng đã chủ động tiếp xúc, mạnh bạo thu phục và
sử dụng thành công và đã thu được những kết quả tích cực.
Ủy
ban Khởi nghĩa Hải Phòng đã xúc tiến tổ chức cuộc gặp gỡ trực tiếp và
rất quan trọng, ngày 22/8 – giữa lãnh đạo Việt Minh và Chỉ huy quân đội
Nhật với sự có mặt trung gian của Thị trưởng đương quyền để thương nghị
điều đình về việc tổ chức cho nhân dân Hải Phòng giành chính quyền an
toàn và thắng lợi vào ngày 23/8… không phải dùng đến hình thức như “tối
hậu thư” cho Chỉ huy quân đội Nhật hoặc phải có kế hoạch né tránh đụng
độ với quân Nhật.
Hải
Phòng đã lại vận dụng một cách mạnh bạo, nổi bật đường lối đại đoàn kết
dân tộc của Mặt trận Việt Minh, một nhân tố quyết định thành công cuộc
Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8. Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời
thành phố, chính quyền đầu tiên của nhân dân Hải Phòng được lập ra có
đại diện của Mặt trận Việt Minh, đồng chí Vũ Quốc Uy là Chủ tịch, có ủy
viên hành chính, luật sư Vũ Trọng Khánh nguyên Thị trưởng cũ, có đại
biểu công nhân Đoàn Văn Nhạc, đại biểu trí thức Vũ Văn Huyên, đại biểu
công thương Nguyễn Thị Ngọc Mùi, đại biểu quân sự Quách Duy Yên (2).
Tiếp
với Hà Nội, nhân dân Hải Phòng đã tự đứng lên làm chủ nhân chính thức
thành phố Cảng một cách hết sức kịp thời là một sự kiện có ý nghĩa lịch
sử quan trọng trong khi chung quanh thành phố còn gần chục ngàn quân đội
Nhật vũ trang đầy đủ chiếm đóng và chờ đại quân Trung Quốc được Đồng
minh giao, đến để tiếp quản.
Mọi
người đã không quên khi nhân dân Hải Phòng đứng lên, với khí thế cách
mạng sôi sục, đã ngay lập tức ngăn chặn, đẩy lùi các toán biệt kích của
quân đội thực dân xâm lược Pháp đã bắt đầu trở lại xâm nhập. Bọn chúng
đã lọt vào đất Cảng từ đầu tháng 8, nhưng đến lúc đó, các tàu biệt kích
Crayssac, Frézouls đã vội vàng rời khỏi Cửa Cấm, tháo chạy ra các đảo Cô
Tô, Vạn Hoa trong Vịnh Bắc bộ. Toán của tên trung úy Blanchard phải
chui vào ẩn trong trại lính Nhật để mãi sau mới tìm cách bắt liên lạc
với Sainteny ở Hà Nội.
Còn
cánh quân của Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa, lực lượng được Đồng
minh giao vào Việt Nam tiếp nhận đầu hàng của quân đội Nhật và tiếp quản
Bắc Việt Nam thì đến cuối tháng 8, Tập đoàn quân 53 Quảng Tây kéo theo
lực lương thổ phỉ của Vũ Kim Thành (thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh
Hội của Nguyễn Hải Thần) mới tới được vùng Móng Cái và phải đến 13 – 15
tháng 9 các lực lượng này mới tới thành phố Hải Phòng và mở đầu cho các
cuộc hoành hành, quấy phá khi mà nhân dân Hải Phòng, Kiến An đã đứng lên
lập chính quyền làm chủ nhân thực sự cả vùng đã từ hơn một nửa tháng
trước.
Hà
Nội rồi Hải Phòng, theo tiếng gọi của Việt Minh đã liên tiếp chủ động
tự mình đứng lên, khéo léo tự giải phóng và làm chủ thành phố một cách
nhanh chóng, êm thấm hòa bình. Hai thành phố lớn hàng đầu, nhất nhì của
miền Bắc, cùng với các đô thị lớn nhỏ khác như Nam Định, Hải Dương đã
đấu tranh thắng lợi, hiệp đồng một cách thần tình cùng với phong trào
chiến tranh du kích mạnh mẽ ở Việt Bắc và đồng bằng, góp phần giải phóng
toàn miền Bắc, tạo điều kiện quyết định cho thắng lợi vĩ đại của đất
nước vào ngày 2/9 lịch sử.
Chú thích:
* Trích cuốn Từ Hỏa Lò đến Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Nxb Hà Nội, 2012, tr.86-93. Đầu đề là của chúng tôi.
1.
Luật sư Vũ Trọng Khánh là Thị trưởng Hải Phòng sau 9/3 đến khi ta giành
chính quyền là ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Hải Phòng rồi
được cử làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời từ 2/9/1945. Có
em là Tống – Dân chủ Đảng.
2. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng. Tập 1, Nxb Hải Phòng, 1991.
Nguồn: http://xuanay.vn/tap-chi-xua-nay/khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-o-hai-phong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét