Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Chiến dịch Xuân Lộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Đầu tháng 4/1975, quân ta mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, mở đường cho quân và dân ta nhanh chóng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa Xuân 1975.

Sau khi chiến dịch giải phóng Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng (tháng 3/1975) của đại quân ta liên tiếp giành thắng lợi giòn giã, Mỹ - ngụy vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai), cách Sài Gòn 60km về phía Đông Bắc, phòng tuyến trọng tâm để địch ngăn ta cơ động theo Đường 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tướng Mỹ Uây-len (Weyand), Tham Mưu trưởng Lục quân Mỹ, nói với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy rằng: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Từ nhận định trên, địch tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là Sư đoàn 18, một đơn vị thiện chiến của Quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của Sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Ngoài ra, địch bố trí thêm 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và 9 tiểu đoàn bảo an. Trong quá trình cố thủ bảo vệ Xuân Lộc, địch chi viện thêm Lữ đoàn dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 thuộc Sư đoàn 5 ngụy, 01 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng..., một mặt cần cơ động nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động”. Ngày 02/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy ở vòng ngoài, cắt giao thông, cô lập và phá âm mưu phòng ngự Sài Gòn từ xa, đồng thời mở đường cho quân ta tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, được phối thuộc Sư đoàn Bộ binh 6, 02 tiểu đoàn xe tăng và 02 tiểu đoàn bộ đội địa phương; đồng chí Hoàng Cầm là Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Hoàng Thế Thiện là Chính ủy Chiến dịch.

Ngày 03/4, tại Sở Chỉ huy ở phía Đông cầu La Ngà, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã họp và đề ra hai phương án tiến công Xuân Lộc:

Phương án 1: Tập trung 02 sư đoàn tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan; 01 sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm – Dầu Giây, Quốc lộ 20;

Phương án 2: Nếu tình huống không có lợi thì tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở bên ngoài, giải phóng hai chi khu Tân Phong và Gia Kiệm, tiêu diệt quân viện trợ của địch tiến tới tiến công dứt điểm Long Khánh và tổ chức đánh địch rút lui.

Trước tình hình chiến sự, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công thị xã Xuân Lộc theo Phương án 1, cụ thể: Sư đoàn 7 tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Đông Thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 5, Chiến đoàn 43, Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy, diệt toàn bộ quân địch ở phía Đông Thị xã; Sư đoàn 341 tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Bắc Thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm Ty cảnh sát, Khu cố vấn Mỹ, Dinh Tỉnh trưởng và cùng Sư đoàn 7 phát triển xuống phía Nam; Sư đoàn 6 chia cắt ở Đường 1, đoạn ngã ba Dầu Giây, có nhiệm vụ tiêu diệt các chốt địch từ ấp Hưng Lộc đến đèo Mẹ Bồng Con, đánh viện binh và đánh địch rút chạy. Quân đoàn tổ chức bốn cụm pháo, hai cụm cao xạ chi viện và bảo vệ cho các hướng chiến đấu.

Sáng 09/4/1975, theo kế hoạch, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh. Trong ngày đầu, ta đã chiếm được một phần hai Thị xã, toàn bộ Khu hành chính Tiểu khu, đã đưa được ba tiểu đoàn vào bên trong và thực hiện cắt Đường 1 ở đoạn ngã ba Dầu Giây – đèo Mẹ Bồng Con. Sáng 10/4, ta tiếp tục đột phá Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 18 ngụy, đánh Lữ đoàn dù 1 đổ xuống Tân Phong vừa được chi viện. Địch phải điều thêm 1 liên đoàn biệt động quân và Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn Bộ binh 5...

Qua 05 ngày chiến đấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều. Bên cạnh đó, từ nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt Đường 2 đi Bà Rịa. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch, còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động.

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền về “chiến thắng Xuân Lộc” và “khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã phục hồi”.

Rạng sáng 15/4, pháo của ta bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tập kích diệt gọn Trung đoàn 52 ngụy, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Đường 1 đoạn Xuân Lộc – Bầu Cá, Đường 20 đoạn Túc Trưng – ngã ba Dầu Giây. Trong hai ngày 16, 17, ta chặn đánh, đẩy lùi Trung đoàn Thiết giáp 3 và Trung đoàn 8 địch chi viện từ phía Biên Hòa đến. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/4, Sư đoàn 18 ngụy rút chạy, chiều tối ngày 20/4, địch ở Xuân Lộc rút chạy. Do phát hiện và tổ chức tiến công, truy kích địch chậm, mặt khác do trời tối, mưa to nên ta chỉ diệt được một bộ phận đi sau của địch, bắt sống tên Đại tá, Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi.

Kết quả, sau 11 ngày chiến đấu kiên cường, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Chiến dịch, ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh; đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt Trung đoàn 5 và Lữ đoàn Thiết giáp 3; diệt hàng nghìn tên, bắt 2.785 tên địch; thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp và 16 ô tô của địch.

Chiến thắng Xuân Lộc là một trong những điểm nhấn của Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. Đó là trận đánh cam go, ác liệt, thể hiện sự mưu trí và sáng tạo của quân ta, đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch và khiến tinh thần chiến đấu của quân ngụy suy sụp nhanh chóng. Thắng lợi này đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, mở ra thế trận mới có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung, Tổng tiến công và nỏi dậy mùa xuân năm 1975, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.

2. TS. Phạm Bá Toàn, Quyết định lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.

Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét