Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TP.Hồ Chí Minh, Vietnam
Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) - Quản lý: Ông Hoàng Anh Thi (con trai cố Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) - Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Email: nhaluuniem.hoangthethien@gmail.com - Tel: (84-28) 38111467 - Mobile: 0918 636 791 - Website: www.hoangthethien.net

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Quyển “Nhật ký trên đường Nam tiến” tròn 70 tuổi (1949-2019)

Đồng chí Hoàng Thế Thiện trước ngày vào Nam Bộ. Năm đó đồng chí 27 tuổi.

Bìa quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" đã tròn 70 tuổi (1949-2019).

Trang đầu tiên của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích của đồng chí Hoàng Thế Thiện (bên trái) và vợ đồng chí - bà Hào Kim Oanh (bên phải) có dán ảnh bà Oanh bế người con trai đầu lòng của hai người.

Trang thứ hai của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích của đồng chí Hoàng Thế Thiện. Chữ L là viết tắt của tên Lan (bí danh khi đó của bà Oanh - vợ đồng chí). Chữ T là viết tắt của Thi (tên khai sinh của đồng chí Hoàng Thế Thiện là Lưu Văn Thi).

Trang thứ ba của quyển "Nhật ký trên đường Nam tiến" với bút tích nhắn gửi của bà Hào Kim Oanh - vợ đồng chí Hoàng Thế Thiện.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22-12-1944 - 22-12-2019), Gia đình - Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện xin trân trọng giới thiệu lại bài viết “Nhật ký trên đường Nam tiến” của nhà báo Hùng Khoa (báo Quân đội nhân dân) đăng trên nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng” số 286 ra tháng 10-2017.


Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Đoàn cán bộ quân sự Trung ương từ Việt Bắc vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ (1949-2019).

Cách đây 70 năm, vào tháng 09-1949, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. Đây là lần Nam tiến thứ nhất trong cuộc đời xông pha trận mạc của đồng chí Hoàng Thế Thiện - một vị tướng đã 3 lần Nam tiến để tham gia chiến đấu vì miền Nam ruột thịt vào các năm 1949, 1964, 1975.

Lên đường từ căn cứ địa Việt Bắc và tháng 09-1949, Đoàn cán bộ quân sự Trung ương đã lội suối trèo đèo vượt ngàn dặm đường, tiến hành một cuộc hành quân gian khổ, đi dọc theo chiều dài của sáu chiến khu, khi “xẻ dọc Trường Sơn” khi cưỡi sóng biển Đông, xuyên qua nhiều vùng địch tạm chiếm nhiều hiểm nguy bất trắc. Trải gần 11 tháng đi đường, Đoàn cán bộ quân sự Trung ương đã vào đến đất Nam Bộ.Tới tháng 08-1950, Đoàn đặt chân đến Đồng Tháp Mười, căn cứ địa nổi tiếng của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ.

Trong lịch sử, vào tháng 09-1948, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cử Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ. Phái đoàn gồm các đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lãnh đạo; Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Chủ tịch phủ; Dương Quốc Chính, Thiếu tướng Chính ủy Khu Việt Bắc[1].

Có một số sách và tài liệu đã nhầm lẫn, cho rằng Đoàn cán bộ quân sự Trung ương vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ năm 1949 là một bộ phận của Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ năm 1948 và ghi nhận đồng chí Hoàng Thế Thiện là một thành viên trong Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ năm 1948 như trong tài liệu sau:

“Do nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của Nam Bộ trong thế chiến lược chung nên Trung ương Đảng sớm có kế hoạch tăng cường lực lượng phong trào cách mạng nơi đây. Theo đó, giữa tháng 9-1948, Trung ương cử đoàn cán bộ Đảng, Chính phủ, quân đội do đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm trưởng đoàn, cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch (danh nghĩa trưởng phái đoàn Chính phủ) và Thiếu tướng Dương Quốc Chính (Lê Hiến Mai) đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào Nam Bộ. Cùng đi với phái đoàn có khoảng 30 cán bộ chính trị, quân sự cao, trung cấp như: Lê Toàn Thư, Lưu Quý Kì, Hoàng Thế Thiện... cùng nhiều cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.”[2]

Đại tá, nhà sử học Lê Hồng Lĩnh đã viết rõ về việc này trong bài viết “Nhớ về người đồng chí đàn anh” trong quyển sách “Nhớ Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện” (Nhiều tác giả, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005) như sau:

“Tháng 10 năm 1948, tôi được cử vào Nam Bộ trong Phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ do các anh Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính phụ trách. Chúng tôi đi theo đường Trường Sơn mà lúc đó anh em đã gọi là đường Hồ Chí Minh. Vào Nam Bộ, tôi được phân công làm nhân viên kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra các trung đoàn, tiểu đoàn ở miền Trung và miền Đông. Sau đó tôi được cử làm Bí thư Văn phòng Chính ủy Nam Bộ và làm thư ký cho đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, Chính ủy Nam Bộ.

Đến tháng 9 năm 1949, anh Thiện cùng với một số cán bộ quân sự như anh Nguyễn Thanh Tâm nguyên là Phó Giám đốc Trường Quân chính Bắc Sơn, anh Lê Thọ (Lê Văn Điệp) nguyên là học sinh Trường Quân chính Bắc Sơn cùng với chúng tôi và là Chính trị viên Tiểu đoàn 57… cũng theo đường Hồ Chí Minh vào Nam Bộ.

Tôi bất ngờ gặp lại anh Thiện ở Nam Bộ. Hai anh em vui mừng nhận ra nhau ngay và coi nhau như là đồng chí, đồng đội quen thân nhau từ lâu.”

Ngày đồng chí Hoàng Thế Thiện (tên khai sinh là Lưu Văn Thi) vào Nam năm 1949, bà Hào Kim Oanh - vợ đồng chí đã đóng cho đồng chí một cuốn sổ nhỏ, bọc vải màu xanh lam, trên đó có thêu 2 chữ T và O màu trắng lồng vào nhau nghĩa là Thi - Oanh, để những lúc đồng chí nhớ vợ con, gia đình, có cuốn sổ nhỏ đó mà trút bầu tâm sự. Năm nay, quyển “Nhật ký trên đường Nam tiến” ấy đã tròn 70 tuổi (1949-2019).
--------------------

Chú thích:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét